Ngày 23/7, trả lời phỏng vấn RT, Đại sứ Nam Phi Anil Sooklal - phụ trách mối quan hệ với BRICS nói, khối các nước có nền kinh tế mới nổi sẵn sàng đối thoại với tất cả mọi người, đồng thời khẳng định BRICS không phân biệt giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu.
Ông Sooklal nhấn mạnh rằng, BRICS luôn đón nhận bất kỳ quốc gia nào có cùng tầm nhìn về một trật tự toàn cầu bao trùm và công bằng hơn.
Khối kinh tế BRICS hiện có 5 thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và gần một phần tư GDP của thế giới.
Trước đó, ngày 20/7, phát biểu tại cuộc họp báo ở Johannesburg, ông Sooklal cho biết có hơn 40 quốc gia bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS, trong bối cảnh khối muốn mở rộng.
Quốc kỳ các nước thuộc khối BRICS. (Ảnh: Reuters)
Cũng theo nhà ngoại giao này đã có 22 quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập khối, trong khi hơn 20 nước khác đang thỏa luận không chính thức về việc tham gia BRICS.
Nhà ngoại giao Nam Phi cũng nói thêm rằng, trong khi Liên hợp quốc vẫn chưa chịu bắt tay vào cải cách toàn diện để mang lại cho các nước đang phát triển tiếng nói lớn hơn trên trường quốc tế, BRICS đã vạch ra con đường riêng của mình để khắc phục vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Sooklal nhấn mạnh rằng khối “không tìm cách trở thành một lực lượng thống trị kinh tế toàn cầu” mà muốn sử dụng “sự liên kết giữa các nước thành viên tạo ra sự thay đổi”.
“Chúng tôi không muốn một thế giới có một hoặc hai siêu cường toàn cầu, sự phân bổ quyền lực như vậy sẽ gieo rắc sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế”, ông Sooklal nói.
Theo như những gì ông Sooklal từng tiết lộ, Argentina, Iran, Ả Rập Xê-út, UAE hiện nằm trong các nước muốn gia nhập BRICS trong thời gian tới.
Nam Phi đang là quốc gia chủ tịch BRICS và sẽ là quốc gia tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại thành phố Johannesburg ngày 22-24/8. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã gửi lời mời tới gần 70 nhà lãnh đạo trên thế giới đến tham dự hội nghị lần này.