"Danh sách các ứng viên gia nhập BRICS tiếp tục tăng lên. Số lượng quốc gia muốn gia nhập nhóm hiện gần 20 nước. Điều đó phản ánh vai trò ngày càng lớn và đáng kể của BRICS trên trường quốc tế với tư cách là một hiệp hội các quốc gia có cùng quan điểm", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói.
Ông Ryabkov cho biết, BRICS (các nước nền kinh tế mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) là nhóm các quốc gia không đặt ra cơ chế nước lãnh đạo. Thay vào đó, các đối tác "thiết lập chương trình nghị sự mang tính xây dựng dựa trên sự đồng thuận".
Ngày càng có nhiều nước muốn gia nhập nhóm BRICS. (Ảnh: Reuters)
"Các cuộc thảo luận về tiêu chí để các nước gia nhập BRICS đang tiếp diễn. Nam Phi đang nỗ lực để thực hiện công việc này", ông Ryabkov cho biết thêm.
Hôm 1/6, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS đang diễn ra tại thủ đô Cape Town, Nam Phi, các ngoại trưởng BRICS ra tuyên bố chung, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch tài chính và thương mại quốc tế giữa các nước BRICS cũng như các đối tác thương mại khác.
Nam Phi đang giữ chức Chủ tịch BRICS sau khi tiếp quản từ Trung Quốc. Nhiệm kỳ của Nam Phi sẽ kéo dài đến cuối năm 2023.
Kể từ khi được thành lập vào năm 2001, Nhóm BRICS bao gồm 5 quốc gia mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, phát triển thành một liên minh không chính thức và vượt qua khối G7 do Mỹ dẫn đầu về tỷ trọng GDP toàn cầu.
Nhóm các nước BRICS có dân số hơn 3 tỷ người, chiếm 25% tổng sản lượng nội địa (GDP) toàn cầu, 20% thương mại, khoảng 25% đầu tư trực tiếp và tổng dự trữ quốc tế của BRICS chiếm khoảng 35% của thế giới.
Một số quốc gia khác có kế hoạch tham gia khối kinh tế này, bao gồm Argentina, Iran, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê-út và Ai Cập