Hôm 22/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov giải thích, phản đối của Nga đối với sự hiện diện của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dựa trên những nỗ lực của Paris nhằm cô lập Moskva. Đồng thời, ông cho rằng sự ủng hộ của Pháp đối với mục tiêu của NAT gây ra “thất bại chiến lược” cho Nga trong cuộc xung đột Ukraine.
“Nga không che giấu quan điểm của mình và đã thông báo cho các đồng nghiệp Nam Phi về điều đó. Chúng tôi hy vọng quan điểm của Nga sẽ được xem xét đầy đủ", Thứ trưởng Sergey Ryabkov cho hay.
Nga nói Tổng thống Pháp Emmanuel Macron "không phù hợp" dự hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS.
Theo ông Ryabkov, với tư cách là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh, Nam Phi sẽ có quyền mời Tổng thống Macron. Tuy nhiên, quan chức Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh, điều quan trọng là Nam Phi phải tham khảo ý kiến các thành viên BRICS khác trước đó.
Mong muốn của Macron tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg lần đầu tiên được hãng tin L'Opinion của Pháp đưa tin. Paris sau đó xác nhận ông Macron đang tìm kiếm lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh của BRICS tại Nam Phi vào tháng 8.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cũng xác nhận thông tin trong chuyến thăm Nam Phi. Phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Pháp, Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor cho biết việc mời ông Macron dự hội nghị sẽ là một "sự đổi mới" đối với BRICS, nhưng lưu ý quyết định chưa được đưa ra.
Ông Ryabkov lưu ý rằng BRICS đang thảo luận về các tiêu chí cho các thành viên trong tương lai. Ông lập luận việc từ chối các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương sẽ trở thành một trong những điều kiện như vậy và Pháp chắc chắn sẽ không đủ điều kiện dựa trên chỉ số đó.
Khoảng 20 quốc gia được cho là đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS. Nhóm này được thành lập vào năm 2001, bao gồm 5 quốc gia mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.