Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hội thảo Biển Đông: Cần có tư duy và cách tiếp cận mới

(VTC News) - Gần 80 đại biểu đại diện cho giới nghiên cứu Biển Đông trên cả nước đã tham gia thảo luận tích cực, thẳng thắn về chủ đề "nhạy cảm" này.

(VTC News) - Hôm qua 26/4, tại Hà Nội, Chương trình Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Quốc gia lần thứ hai về Biển Đông với chủ đề “Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: Lịch sử, Địa chính trị và Luật pháp quốc tế”. Gần 80 đại biểu đến từ các cơ quan, Viện Nghiên cứu và các học giả độc lập đại diện cho giới nghiên cứu Biển Đông trên cả nước đã tham gia thảo luận tích cực, thẳng thắn về chủ đề "nhạy cảm" này; đồng thời đưa ra những kiến nghị đáng chú ý.

Phát biểu tại Hội thảo, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh: muốn giải quyết được tranh chấp biển Đông, phải biết rõ những mặt mạnh và mặt yếu của cả ta và Trung Quốc để có thể đối phó được với những hệ lụy của cuộc tranh chấp này.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Nguyễn Xuân Diện)

GS Đặng Đình Quý, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu về biển Đông nhận định: Sau Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) 17 - 2010 tại Hà Nội, tình hình biển Đông đã chuyển sang giai đoạn mới, cần phải có tư duy và phương pháp tiếp cận mới tương ứng.

Theo GS Đặng Đình Quý, vấn đề biển Đông từ chỗ chỉ được coi là tranh chấp giữa các nước trong khu vực đã được khẳng định là một vấn đề quốc tế, được đem ra bàn thảo ở những diễn đàn đa phương. Biển Đông đã trở thành vấn đề khá nổi bật trong chương trình nghị sự của ASEAN, thể hiện rõ quyết tâm chuyển từ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) sang Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Các nước trong khu vực ngày càng tỏ ra tự tin hơn, có lập trường rõ ràng về hoạt động của các bên liên quan trên biển Đông. Lập trường của Trung Quốc dường như cũng đã có nhiều thay đổi; có xu hướng sử dụng Công ước về Luật Biển (UNLOCs) nhiều hơn, có thay đổi trong hành vi ngoại giao cũng như có một số điểm mới trên thực địa.

"Với tư cách công dân, tôi muốn kiến nghị các nhà khoa học nên nghiên cứu sâu hơn về những biến đổi của tình hình, tiếp tục củng cố chứng cứ, hồ sơ về lịch sử và pháp lý; công bố, biên dịch và phổ biến rộng rãi ngay trên mạng internet các kết quả, công trình nghiên cứu có giá trị; tích cực công tác tập hợp đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực này để đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tạo nên sức mạnh của giới học giả Việt Nam về chủ đề chủ quyền."
- Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan -

Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền thông tin và tư liệu Ủy ban Biên giới quốc gia Nguyễn Trường Giang khẳng định, muốn giữ được chủ quyền về biển đảo, cần phải có nỗ lực của người dân. “Đồng thuận dân tộc mới giữ được chủ quyền, mà đồng thuận đó chỉ đạt được khi người dân có cùng nhận thức” - Ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

Nhà sử học Nguyễn Nhã đưa ra các chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, gồm các văn bản của Việt Nam, các văn thư của người Trung Quốc cho thấy quần đảo đó là của Việt Nam; và các tư liệu của tàu bè hoặc người phương Tây, khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam.

"Chúng ta có nhiều văn bản quan trọng, đặc biệt là các châu bản (văn bản có thủ bút phê duyệt bằng mực son của vua - PV)", ông Nguyễn Nhã nhấn mạnh - "Nếu được dịch và phổ biến rộng rãi hơn nữa, tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ thuyết phục một cách mạnh mẽ hơn về chủ quyền".

Kể từ hội thảo lần đầu tiên ngày 17/3/2009, 2 năm qua, tại Việt Nam, số người tham gia nghiên cứu, số chương trình nghiên cứu, số lượng bài viết về biển Đông tăng lên đáng kể, nhưng chưa thể khẳng định rằng Việt Nam đã “mạnh” trong lĩnh vực này. Lực lượng chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan như lịch sử, văn bản cổ Trung Quốc và Việt Nam, công pháp quốc tế, địa chính trị… vẫn đếm trên đầu ngón tay; các bài viết đa phần vẫn là “nói cho nhau nghe” chứ không được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành, có uy tín của nước ngoài. Đại biểu Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh: "Không chỉ nói cho nhau nghe, mà còn phải nói cho nước ngoài nghe nữa".

 Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Nguyễn Xuân Diện)

Hội thảo nhất trí với một số ý kiến đề nghị đẩy mạnh nghiên cứu, nhất là nghiên cứu cơ sở pháp lý làm luận cứ cho đàm phán về biển Đông; tích cực quốc tế hóa vấn đề; duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực; đặc biệt là phải đầu tư cho con người. Một học giả so sánh: Trong vài năm qua, Trung Quốc có tới 36 luận án tiến sĩ về biển Đông, Việt Nam chưa có, nên chăng Chính phủ có những học bổng khuyến khích nghiên cứu sinh làm luận án về lĩnh vực này?

Cùng với các Hội thảo Quốc tế, Hội thảo quốc gia về Biển Đông là một kênh quan trọng để huy động tri thức của cả nước về vấn đề Biển Đông. Ban tổ chức bày tỏ mong muốn Hội thảo lần tới sẽ được sự hưởng ứng rộng rãi hơn nữa của giới học giả với nhiều tham luận chất lượng gửi về.

Về các cơ sở pháp lý và lịch sử chủ quyền của Việt Nam và các bên liên quan, các đại biểu cho rằng Việt Nam có nhiều bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để chứng minh chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã chiếm hữu thực sự, hòa bình, và thực thi liên tục chủ quyền của mình ở đây. Một số ý kiến nêu rõ mặc dù đã tập hợp nhiều bằng chứng, nhưng chúng ta vẫn cần tiếp tục sưu tầm, hoàn chỉnh các tài liệu gốc, dịch sang các thứ tiếng và quảng bá rộng rãi các tài liệu, cùng với đó là phải chỉnh sửa và bổ sung các thông tin chưa chính xác hay còn thiếu. Mặt khác Việt Nam cũng không nên chủ quan, mà cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện các lập luận của mình.

Về yêu sách của Philippines, tham luận tại phiên 1 cho rằng Philippines có điểm mạnh là nước này về mặt địa lý gần quần đảo Trường Sa  nhất so với Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Tuy nhiên hình thức thụ đắc năm 1956 của Croma là của cá nhân, không phải trên danh nghĩa nhà nước.

Về cơ sở của Trung Quốc, các đại biểu cho rằng luận điểm của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông dựa trên hình thức thụ đắc lãnh thổ chiếm hữu và hình thức thụ đắc lãnh thổ bằng điều ước quốc tế. Về hình thức thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu, một số ý kiến phát biểu cho rằng Trung Quốc đã không thỏa mãn yêu cầu chiếm hữu hòa bình, thực sự và dưới danh nghĩa nhà nước. Các học giả cũng cho rằng hệ thống địa danh của Trung Quốc không dựa trên yếu tố lịch sử, việc tập hợp các địa danh không kèm văn bản gốc. Một số công trình nghiên cứu của Trung Quốc khi trích dẫn dựa trên các tư liệu cổ, thường trích dẫn một cách ngắt đoạn, còn một số khác đúng nguồn thì lại hiểu sai về nội dung.

Các đại biểu cũng nhất trí rằng, việc nghiên cứu cơ sở pháp lý của các nước liên quan trong tranh chấp cũng quan trọng và có vai trò tương đương với việc nghiên cứu cơ sở của ta. Do vậy, cần phải rà soát lịch sử, các tư liệu, bản đồ của các nước có liên quan.

Về các diễn biến gần đây ở khu vực Biển Đông, các đại biểu cho rằng ở khu vực Biển Đông gần đây đã có thay đổi trên một số bình diện. Trước hết, vấn đề Biển Đông từ chỗ chỉ là tranh chấp giữa các nước trong khu vực đã trở thành một trong những vấn đề quốc tế, được đem ra bàn thảo ở những diễn đàn đa phương quốc tế như ARF… Thứ hai là thay đổi từ ASEAN. Hiện nay vấn đề Biển Đông đã trở thành vấn đề khá nổi bật trong chương trình nghị sự của ASEAN, thể hiện rõ quyết tâm chuyển từ Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) sang Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC). Thứ ba là lập trường của Trung Quốc cũng đã có nhiều thay đổi. Hiện nay dường như Trung Quốc có xu hướng sử dụng Công ước về Luật biển nhiều hơn, có thay đổi trong hành vi ngoại giao, cũng như có một số điểm mới trên thực địa. Thứ tư, quá trình đàm phán về vấn đề Biển Đông cũng bắt đầu có nhiều chuyển biến, các nước bắt đầu đàm phán trực tiếp về COC.

Về vấn đề hợp tác trong khu vực, các đại biểu nhất trí rằng Biển Đông không chỉ là vấn đề xung đột, tranh chấp, đối đầu mà còn là cơ hội để các nước tăng cường hợp tác.

Về các kịch bản có thể diễn ra ở Biển Đông trong thời gian tới, các học giả cho rằng có thể có 4 kịch bản xảy ra: Một là, tình hình khu vực sẽ tốt hơn hiện nay nếu như các bên, đặc biệt là Trung Quốc, hành xử đúng theo những gì mình đã nói, đó là “tạo dựng Biển Đông thành một vùng biển hòa bình và hợp tác”. Hai là, tình hình sẽ cơ bản như hiện nay, quá trình hợp tác và đấu tranh tiếp tục và đan xen lẫn nhau. Ba là, tình hình xấu hơn hiện nay tức mặt xung đột, tranh chấp nhiều hơn hợp tác nhưng chưa có xung đột quy mô lớn. Bốn là, xảy ra xung đột lớn.

Về việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông, các học giả cho rằng, COC chưa phải là phương tiện để giải quyết các tranh chấp mà sẽ là một công cụ để xây dựng lòng tin nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau và khuyến khích hợp tác sử dụng và quản lý Biển Đông một cách hòa bình. Do vậy, COC không nên dừng lại ở cam kết của các bên thực hiện các nguyên tắc khung mà cần phải xác định rõ những hành vi không được phép tiến hành. Ngoài ra COC cũng cần quy định những điều kiện và cơ chế thích hợp cho phép các bên tăng cường đối thoại, giảm thiểu căng thẳng. Trước mắt, các bên cần thúc đẩy thực thi đầy đủ DOC ký giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002.

Theo mofa.gov.vn


Đông Linh

Nguồn:

Tin mới