Ngày 18/12, theo kế hoạch, TAND tỉnh Đắk Nông sẽ đưa 5 bị cáo trong vụ trộn vỏ cà phê với lõi pin và tạp chất ra xét xử về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, đại diện Tòa án tỉnh Đắk Nông cho biết, do có đơn xin hoãn của 3 luật sư bảo vệ các bị báo nên Hội đồng xét xử quyết định tạm hoãn phiên tòa.
Video: Công an thực nghiệm vụ cà phê bẩn ở Đắk Nông
Trước đó, ngày 23/4, căn cứ lời khai của các đối tượng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra đối với 5 người gồm: Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, trú thôn 13, xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp); Nguyễn Xuân Bảo (SN 1985, trú xã Nghĩa Thắng, huyện Đăk R’lấp); Phan Thị Dung (SN 1962, trú khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước); Lê Thị Hồng Thơ (SN 1979, trú thôn 5, xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song); Trần Văn Tuấn (SN 1976, ngụ thôn 2, xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song).
Về mục đích làm ra hỗn hợp cà phê nhuộm bằng pin, bước đầu Loan và Bảo đều khai nhận để bán cho Thơ và Tuấn với số lượng 3 tấn.
Chủ cơ sở và những vật dụng tại cơ sở thu mua nông sản bị cơ quan chức năng phát hiện trước đó. (Ảnh: HL)
Sau đó, Thơ và Tuấn bán lại 3 tấn hỗn hợp trên cho Phan Thị Dung - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Thảo Dung (ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).
Trên cơ sở lời khai của các đối tượng, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thu giữ được lượng hỗn hợp nêu trên tại kho nông sản của Dung tại tỉnh Bình Phước khi chưa được tiêu thụ ra ngoài thị trường.
Như VTC News đưa tin, ngày 16/4, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông đột nhập vào cơ sở chế biến cà phê bột của gia đình bà Nguyễn Thị Loan (trú thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp).
Tại đây, lực lượng phát hiện trong xưởng chế biến cà phê của bà Loan có hàng chục tấn cà phê "bẩn" đã được trộn lẫn với đất, bột đá.
Qua kiểm tra ban đầu, lực lượng chức năng thu giữ 2 chậu chứa pin con ó (khoảng 35kg) được đập vụn, 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10kg) được hòa tan bằng pin, 12 tấn cà phê bột được chủ cơ sở cho nhuộm đen bằng pin chuẩn bị đóng gói cùng nhiều máy móc, vật dụng liên quan đến việc sản xuất cà phê bẩn.
Theo lời khai ban đầu, bà Loan cho biết cơ sở này hoạt động nhiều năm nay. Bà nhờ người đi thu mua lại các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn vỡ… tại các đại lý và sau đó mua các cục pin đập dẹp, dùng chất bột màu đen của pin hòa với nước rồi đem nhuộm cà phê.
Bà Loan khai nhận, cà phê sau khi được nhuộm, cơ sở đem rang, xay rồi đóng gói bán ra thị trường nhằm mục đích kiếm lời.
Tính từ đầu năm 2018 cho đến nay, cơ sở của bà đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê "bẩn" được nhuộm đen bằng pin Con Ó như trên.