Ngày 20/4, theo thông tin từ Hiệp hội Hỏa táng tỉnh Thái Bình, hiệp hội này vừa tổ chức một cuộc họp kéo dài khoảng 1 giờ với sự tham gia của 32 cơ sở dịch vụ tang lễ trong toàn tỉnh để bàn về việc tiếp tục đưa các đám hỏa táng từ địa phương sang Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình (tỉnh Nam Định).
Theo đó, các cơ sở đã họp và thống nhất vẫn đưa đón các đám hiếu sang hỏa táng ở Đài hóa thân Thanh Bình (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định).
Lực lượng công an bắt tạm giam và khám xét khi bắt Nguyễn Thị Dương, vợ Đường "Nhuệ"
Ông N.V.C., một chủ cơ sở làm dịch vụ hỏa táng tại huyện Vũ Thư (thuộc Hiệp hội hóa thân hoàn vũ tỉnh Thái Bình), cho biết từ năm 2014-2017, ông Trần Ngọc Giao, Chủ tịch HĐQT Công ty CP dịch vụ tang lễ Hoàng Long (chủ Đài hóa thân Hoàn vũ Thanh Bình) đã ủy quyền cho Công ty Thành Phát lập văn phòng kinh doanh tại tỉnh Thái Bình, tiếp nhận các trường hợp thân nhân gia đình người mất đăng ký dịch vụ hỏa táng.
Thời điểm này, mỗi trường hợp hỏa táng, gia đình có người thân qua đời đưa đi hỏa táng sẽ chịu mức phí 4,3 triệu đồng.
"Sau đó, không hiểu vì sao Công ty Thành Phát lại chuyển giao công việc cho ông Nguyễn Xuân Đường. Từ đó, dịch vụ hỏa táng có nhiều xáo trộn, do phải "làm luật" 500.000 đồng/đám cho Đường "Nhuệ", nên dịch vụ hỏa táng từ Thái Bình đưa sang Nam Định đã tăng lên"- ông C. thông tin.
XEM THÊM:
>>Để xã hội đen lộng hành, trách nhiệm của chính quyền địa phương ra sao?
>>Vì sao khi có tân giám đốc công an, nhiều băng nhóm tội phạm mới bị triệt phá?
Được biết, trong cuộc họp của Hiệp hội hóa thân hoàn vũ Thái Bình, các cơ sở dịch vụ tang lễ Thái Bình thống nhất đề xuất với bên Đài giảm giá để họ giảm chi phí cho người dân, tiếp tục đưa dịch vụ trở lại quy củ trước đó.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau khi Nguyễn Xuân Đường cùng vợ Nguyễn Thị Dương và nhóm đàn em bị bắt tạm giam vì tội "Cố ý gây thương tích", một số đơn vị doanh nghiệp làm dịch vụ mai táng trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang đứng ra tố cáo bị Đường cưỡng đoạt tiền thông qua hoạt động "thu phế" đưa người chết đi hỏa táng.
Theo đó, từ năm 2017, mỗi trường hợp hỏa táng phải nộp cho Nguyễn Xuân Đường 500.000 đồng, nếu doanh nghiệp mai táng phản đối thì bị đàn em của Đường hành hung, dằn mặt... Bình quân, mỗi một tháng, riêng tại Thái Bình có 300-400 ca hỏa táng, tuy nhiên do địa phương chưa có đài hóa thân nên thường phải đưa sang các tỉnh, thành lân cận như Hải Phòng, Nam Định.
Ông Trần Ngọc Giao, Chủ tịch Công ty Hoàng Long (đơn vị sở hữu Đài hóa thân tại Nam Định), cho hay doanh nghiệp đã từng ủy quyền cho Công ty Thành Phát làm đại lý cấp 1, phụ trách khu vực Thái Bình với nhiệm vụ giới thiệu dịch vụ, báo ca cần hỏa táng (báo ca) về Hoàng Long.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 12/2017, Đường bắt đầu chèn ép, đánh đập anh N.T.V., nhân viên Công ty Thành Phát, nhằm buộc doanh nghiệp dừng hoạt động để Công ty Đường Dương độc quyền dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình.
Để dễ dàng quản lý, Đường cùng đàn em yêu cầu các đơn vị này không được làm việc trực tiếp với Đài hóa thân hoàn vũ Nam Định, mà phải thông qua "Hiệp hội tang lễ Thái Bình" do Công ty của Đường đứng đầu.
Các đơn vị dịch vụ mai táng trên địa bàn tỉnh Thái Bình khi nhận đưa người đi hỏa táng đều phải báo cáo chi tiết thông tin về thời gian, địa điểm cho nhóm của Đường nắm bắt, quản lý. Căn cứ vào số liệu báo cáo, hàng tháng các công ty tự nhân số tiền lên để nộp đủ cho băng nhóm giang hồ này.
Một lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình xác nhận quá trình mở rộng điều tra, lực lượng công an đang xác minh, điều tra, làm rõ hành vi thu tiền bảo kê hỏa táng của nhóm đối tượng do Nguyễn Xuân Đường cầm đầu.
Video: Bốn cán bộ ở Thái Bình bị bắt liên quan đến Nguyễn Xuân Đường thế nào?