Một tuần qua, dư luận cả nước xôn xao thông tin liên quan đến băng nhóm giang hồ khét tiếng đất Thái Bình do vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (tức Đường 'Nhuệ') và Nguyễn Thị Dương cầm đầu.
Trả lời PV VTC News về việc này, luật sư Trần Hồng Lĩnh - Trưởng Văn phòng Luật sư Lĩnh Chính Thắng (Đoàn luật sư TP Hải Phòng) cho hay, ông và các cộng sự từng tham gia bảo vệ, bào chữa nhiều vụ việc, vụ án ở Thái Bình và nhận thấy, từ lâu, nhiều người dân Thái Bình không có cuộc sống bình yên bởi sự lộng hành của băng nhóm giang hồ Đường 'Nhuệ'.
Theo luật sư, muốn xóa sổ băng nhóm Dương Đường thì trước hết phải củng cố tổ chức cán bộ trong các cơ quan tố tụng của tỉnh Thái Bình, "cách ly" những cán bộ có dấu hiệu bao che.
"Người dân rất lo sợ, hoang mang khi bị truy sát. Họ những tưởng chạy vào trụ sở công an sẽ là nơi đảm bảo an toàn nhưng nơi này như thể cũng do bọn giang hồ làm chủ.
Những tên giang hồ máu lạnh rất manh động và tàn bạo, hành xử như trong một xã hội hỗn loạn không có Nhà nước và pháp luật", luật sư Trần Hồng Lĩnh nói.
Vị luật sư cho hay, việc bắt giữ vợ chồng đại ca giang hồ Đường "Nhuệ" là một tín hiệu tốt, đáng mừng, mở ra một trang mới về tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội cho người dân Thái Bình.
Băng nhóm giang hồ Đường Nhuệ còn nguy hiểm và tàn bạo hơn cả Năm Cam
Luật sư Trần Hồng Lĩnh
Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình mới về nhậm chức đầu năm 2020 đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng và Bộ trưởng Công an Tô Lâm, kiên quyết xử lý triệt để các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động tín dụng đen, xã hội đen, đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn không ghê tay, đe dọa giết người, cướp tài sản.
Trưởng Văn phòng Luật sư Lĩnh Chính Thắng cho rằng, các địa phương trong cả nước làm rất mạnh tay và làm từ lâu những vấn đề trên, bây giờ Thái Bình mới làm là muộn nhưng muộn còn hơn không.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", Công an tỉnh Thái Bình còn phải cố gắng quyết tâm nhiều hơn nữa.
Bởi, đây là cuộc chiến đầy cam go, phức tạp nên rất cần có sự phối hợp, trực tiếp vào cuộc của Bộ Công an mới mong truy quét sạch được băng nhóm giang hồ này.
Quan trọng hơn là loại bỏ được những phần tử chống lưng “bảo kê” dính líu đến tội phạm, để xây dựng lực lượng các cơ quan tố tụng trong sạch, vững mạnh.
"Bài học vẫn còn đó về sự cám dỗ mà một Trung tướng nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy và nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Phạm Sĩ Chiến bị Năm Cam (TP.HCM) mua chuộc trở thành công cụ cho hắn.
Băng nhóm giang hồ Đường Nhuệ còn nguy hiểm và tàn bạo hơn cả Năm Cam. Chúng hoạt động nhiều năm nay dưới vỏ bọc một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Chúng có rất nhiều tiền, rất chịu chi để “buôn quan” nên có quan hệ rất rộng và không tránh khỏi có cán bộ ở nhiều ngành, nhiều cấp chống lưng, dung túng", luật sư Trần Hồng Lĩnh nói thêm.
Ông dẫn ra những dấu hiệu cụ thể như vụ đòi nợ thuê dẫn tới Cố ý gây thương tích cho mẹ con bà Đinh Thị Lý tại trụ sở Công an phường Trần Lãm (Thái Bình) ngày 18/11/2014; vụ chị Vũ Thị Thiện bị truy sát, bị đập phá xe ô tô tại trụ sở Công an tỉnh Thái Bình khi lái xe ô tô chạy vào đây lánh nạn trưa 19/11/2018.
XEM THÊM:
>> Cần làm rõ thế lực chống đỡ vợ chồng đại gia bất động sản Thái Bình
>> Hé lộ đoạn ghi âm 'võ sư Đường Nhuệ' dọa giết giám đốc doanh nghiệp ở Thái Bình
>> Đánh vỡ mặt, khởi tố rồi đình chỉ vụ án: Nỗi uất ức của hàng xóm Đường 'Nhuệ'
Đặc biệt nghiêm trọng là vụ Dương Đường cho đàn em chiếm giữ Công ty TNHH Lâm Quyết từ 3-19/10/2017, đe dọa giết chết chủ doanh nghiệp Lâm Quyết và cướp đoạt tài sản (để xiết nợ) nhưng các cơ quan tố tụng Thái Bình vì các lý do khác nhau không giải quyết đến nơi đến chốn.
Là người trực tiếp bào chữa vụ án liên quan Công ty TNHH Lâm Quyết, luật sư Lĩnh phân tích, Điều 7 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: “Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định”.
Điểm b khoản 3 Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động: Khám nghiệm hiện trường…”.
Luật sư Trần Hồng Lĩnh cho rằng là quy định pháp luật thì phải tuân thủ, nhưng Trung tá Cao Giang Nam, Phó trưởng Cơ quan CSĐT Công an Thái Bình lại nói: “Luật quy định, nhưng không bắt buộc, cơ quan điều tra không khám nghiệm hiện trường là do xét thấy không nhất thiết”.
Kết luận giải quyết tin báo, tố giác số 12 ngày 29/3/2018 do Trung tá Cao Giang Nam ký và Cáo trạng số 03/CT-VKSTB ngày 31/12/2018 do Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Thái Bình Nguyễn Xuân Huy ký, còn nói: “Không có căn cứ xác định anh Nguyễn Xuân Đường chiếm giữ đồ đạc, tài sản của Công ty TNHH Lâm Quyết”.
Luật sư Lĩnh đặt câu hỏi: "Vậy, đã khám nghiệm hiện trường để xác định có hay không có hành vi phạm tội xảy ra và đã khởi tố vụ án để điều tra đâu mà nói “không có căn cứ xác định anh Nguyễn Xuân Đường chiếm giữ đồ đạc, tài sản của Công ty TNHH Lâm Quyết”.
Nếu chưa rõ ai là thủ phạm thì cũng phải khám nghiệm hiện trường, khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ. Nếu có căn cứ xác định ai đó là thủ phạm thì phải khởi tố bị can và bắt tạm giam rồi, chứ không phải xác định được thủ phạm thì mới khám nghiệm hiện trường.
Vị luật sư này còn nêu, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố nói vụ cướp phá tài sản ở Công ty Lâm Quyết (nếu có) là một vụ án riêng, không liên quan đến vụ án Lẫm Quyết (vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết) lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
"Vậy nếu không liên quan thì Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát để các tài liệu giải quyết tin báo, tố giác Đường Nhuệ cướp phá tài sản vào trong hồ sơ vụ án Lẫm Quyết lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để làm gì?
Hai vụ án có liên quan mật thiết với nhau, việc khám nghiệm hiện trường, xác minh hậu quả thiệt hại vụ cướp phá tại Công ty TNHH Lâm Quyết lại là chứng cứ hết sức quan trọng chứng minh có phải Lẫm Quyết gian dối lại ra việc bị cướp phá mất giấy tờ để chiếm đoạt tiền của ông Tới theo như Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thái Bình hay không? Hay Công ty TNHH Lâm Quyết bị cướp phá tan hoang mất toàn bộ tài sản và sổ sách, giấy tờ là có thật", luật sư Trần Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Video: Hàng xóm kể bị Đường 'Nhuệ' đánh đập, doạ giết ngay tại trụ sở công an
Muốn xóa sổ băng nhóm tội phạm có tổ chức do Dương Đường cầm đầu, luật sư Lĩnh đề nghị phải củng cố tổ chức cán bộ trong các cơ quan tố tụng của tỉnh Thái Bình, "cách ly" ngay những cán bộ có dấu hiệu dung túng, bao che cho vợ chồng Dương Đường.
Ngành công an được Đảng, Nhà nước cho phép thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh, trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, trong đó biện pháp quần chúng, phát động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, tố giác thủ đoạn dùng “bẫy nợ, tín dụng đen” để cưỡng đoạt, cướp nhà đất của những ai trót dính “bẫy nợ” và những hành động táo tợn “cướp thầu bất động sản” tại các trung tâm đấu giá, đấu thầu bất động sản.
Luật sư Trần Hồng Lĩnh đề nghị các cơ quan này cung cấp các tài liệu đấu giá, đấu thầu có liên quan đến băng nhóm tội phạm Dương Đường.
Trả lời PV VTC News, một lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình cho biết, ông đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ rà soát lại các vụ việc trước đây, củng cố hồ sơ để điều tra làm rõ những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của vợ chồng Đường.
“Chúng tôi sẽ quyết tâm làm chứ không nề hà bất cứ việc gì đâu”, vị lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình khẳng định.
VTC News sẽ tiếp tục cung cấp những thông tin mới nhất về vụ việc!