Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hiệp định EVFTA thông qua, phân khúc bất động sản nào hưởng lợi?

(VTC News) -

Theo Savills Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA được thông qua sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản công nghiệp phát triển.

Theo thống kê của Tổng cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/12/2019, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,02 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kì năm 2018; vốn FDI thực hiện đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7%.

Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 19 ngành kinh tế, trong đó chế biến, chế tạo với 24,56 tỷ USD, chiếm 64,6%, kinh doanh bất động sản với 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% vốn đăng kí, tiếp theo là bán buôn bán lẻ, khoa học và công nghệ.

 Bất động sản công nghiệp sẽ hưởng lợi lớn từ EVFTA.

Hiệp định EVFTA sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam thông qua việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa. Đối với nhà đầu tư, việc được gỡ bỏ hàng rào thuế quan đã mở ra một thị trường rộng lớn cho việc trao đổi hàng hóa, thương mại, mở rộng đầu tư, giúp cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất tại Việt Nam. Khi doanh nghiệp vào đầu tư, họ cần có mặt bằng để sản xuất, kinh doanh.

Chính vì thế, lĩnh vực bất động sản công nghiệp của Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ làn sóng chuyển dịch địa bàn sản xuất của các tập đoàn quốc tế.

Ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản công nghiệp của Savills Việt Nam cũng xác nhận, số lượng yêu cầu từ khách hàng EU đã tăng lên trong quá trình đợi Hiệp định được ký kết.

“Hiệp định thương mại tự do này sẽ ngày càng thu hút sự quan tâm của thị trường đến bất động sản công nghiệp Việt Nam. Bằng cách tạo điều kiện cho việc ứng dụng những công nghệ sản xuất mới nhất và tăng cường đào tạo nhân lực, Chính phủ Việt Nam đang dần xóa bỏ mối e sợ của các doanh nghiệp về tính khả thi, hay tình trạng thiếu nguồn nhân lực và gia tăng chi phí. Việc nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh sẽ giúp giảm thiểu những lo ngại của nhà đầu tư và nâng tiêu chuẩn chất lượng sản xuất tại Việt Nam”, ông John Campbell khuyến nghị.

Theo các chuyên gia bất động sản, thực tế, Hiệp định sau khi được ký kết vào cuối tháng 6/2019, nhiều nhà đầu tư châu Âu đã đẩy mạnh việc rót vốn vào thị trường Việt Nam, để có thể được hưởng những khung ưu đãi tốt nhất. Các tập đoàn quốc tế cũng thực hiện bước đi táo bạo là chuyển dịch “công trường” sản xuất vào Việt Nam.

Theo thống kê của JII Việt Nam, nhu cầu thuê đã tăng mạnh khi giá đất trung bình trong quý II/2019 lên mức mới với 95 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 15,8% so với cùng kỳ.

Long An, hiện đang được xem là lựa chọn mới bên cạnh hai khu vực đầu tư truyền thống là Bình Dương và Đồng Nai, ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong quý khảo sát. 

TP.HCM, một trong hai nền kinh tế lớn nhất cả nước, vẫn dẫn đầu với mức 162 USD/m2/chu kỳ thuê. Giá thuê RBF (nhà xưởng xây sẵn) dao động từ 3,5-5,0 USD/m2/tháng với thời hạn thuê tối thiểu 3-5 năm. Mức thuê này tăng nhẹ so với kỳ cập nhật hai quý trước đó, nhờ nhu cầu đối với loại hình này đang tăng mạnh.

Tỷ lệ lấp đầy trung bình khu vực kinh tế trọng điểm miền Nam đạt được mức cao với 81% trong quý 2/2019, chủ yếu nhờ vào TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, việc hoàn thành các hiệp định thương mại tự do sẽ kéo theo sự dịch chuyển quy mô lớn của các tập đoàn công nghiệp quốc tế vào Việt Nam. Chính phủ và các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng nắm bắt được thời cơ này khi làn sóng đầu tư mới đổ bộ vào Việt Nam.

Chỉ xét về mức lợi nhuận trên chi phí và lợi nhuận trên tiền mặt, lợi nhuận thu được từ việc phát triển BĐS công nghiệp tại Việt Nam có thể đạt 11 - 12%, đây là mức lợi nhuận cao nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư (CIEM) cũng lưu ý, để có thể níu giữ nhà đầu tư lâu dài, ngoài chính sách thuế, cần cải thiện hơn nữa các thủ tục hành chính và minh bạch hóa môi trường đầu tư kinh doanh.

Ngọc Vy

Tin mới