Với kết quả 401 phiếu ủng hộ (63,3%), Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vào khoảng 16h ngày 12/2 (giờ Việt Nam).
Đây được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, khi EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước thâm nhập thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD.
EVFTA được kỳ vọng là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Cơ hội là vậy, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, EVFTA cũng tạo nên những thách thức mới, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải có sự “lột xác”, chấp nhận “trả giá” để thay đổi.
VTC News có cuộc trò chuyện cùng với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.
- Thưa bà, việc Nghị viện Châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EVFTA mở ra những cơ hội vàng nhưng cũng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng thị trường EU. Theo bà, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải thay đổi như thế nào để có thể tận dụng hết cơ hội tại EVFTA?
Doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần xác định EVFTA là cơ hội đầu tiên để lột xác, tự mình thay đổi chứ không phải là cơ hội để xuất khẩu, bán được nhiều hàng, tạo được nhiều sản phẩm mới hay thu được nhiều tiền. Vấn đề không phải là thu nhập được thêm bao nhiêu mà vấn đề là DN có ‘lột xác’ được hay không. Bởi theo tôi, EVFTA có thể nói là cơ hội cuối cùng.
Nếu các DN Việt Nam không tự mình thay đổi để nâng mình lên một tầm mới thì cũng vẫn sẽ là tầm tầm như những gì đã xảy ra đối với các FTA khác mà thôi. Nghĩa là vẫn chỉ tham gia vào chuỗi giá trị rất thấp, vẫn bán sức lao động giá rẻ và bán những tài nguyên thô là chính. Nghĩa là làm ở những khâu thấp kém nhất trong chuỗi giá trị.
Nếu DN không cải thiện được vị thế của mình trong chuỗi giá trị thì nền kinh tế Việt Nam cũng khó bật lên được, dù danh nghĩa là xuất khẩu nhiều hơn, thu hút được nhiều FDI hơn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
- Thực tế qua các Hiệp định thương mại tự do, DN Việt Nam đã thay đổi được nhiều?
Phải thấy là suốt những năm qua, mỗi khi có một công cuộc hội nhập mới, chúng ta vẫn hay có câu cửa miệng rằng “công cuộc này sẽ nâng vị thế Việt Nam lên một tầm mới trên trường quốc tế”. Điều đó cũng có thể có! Việt Nam có thể có thêm nhiều mối quan hệ mới. Nhưng vị thế kinh tế của Việt Nam trên trường quốc tế được cải thiện những gì, như thế nào? Đó mới là cái cốt lõi.
Hiện ta vẫn nằm ở những vị trí thấp trong chuỗi giá trị. Thậm chí về năng suất lao động, có những năm Lào vượt Việt Nam, Campuchia vượt Việt Nam. Gạo của Campuchia vào được thị trường EU, trong khi gạo của Việt Nam thì chưa.
Tất cả những điều đó để thấy nếu DN Việt Nam không thay đổi một cách căn cơ sức cạnh tranh của mình bằng chất lượng sản phẩm, bằng những tiêu chuẩn mới, bằng cách thức giao dịch trên những thị trường hiện đại đòi hỏi phương thức kinh doanh hiện đại, những chuẩn mực đạo đức mới về môi trường, về trách nhiệm xã hội đi cùng với các chuẩn mực về sản phẩm thì DN có bán được thêm hàng bao nhiêu đi nữa cũng thực sự không có nhiều ý nghĩa.
Thành công có thể được nhất định ở các kỳ FTA sẽ chỉ có ngắn hạn và không giúp được DN vượt lên cũng như sẽ không có được một DN có thể kéo dài hàng trăm năm từ đời này sang đời khác được.
- Vậy theo bà, điều căn cơ vẫn là ở sự thay đổi và lột xác thực sự đối với các DN nếu muốn hội nhập EVFTA?
Hiệp định EVFTA được thực hiện trong bối cảnh toàn cầu đang áp dụng công nghệ 4.0, khi mà cả thế giới đang chuyển sang thời kỳ phát triển mới với những đòi hỏi rất cao về cách thức mới trong làm ăn, không chỉ về công nghệ mà còn về quản trị, tổ chức kinh doanh, phương thức kinh doanh cũng có nhiều cái mới. Nếu mình không thay đổi được, mình vẫn làm theo cái cũ mà “chơi” với thế giới mới, với một thị trường hiện đại bậc nhất như châu Âu thì làm sao thành công thực sự được?
Nếu không đổi mới mình, DN Việt chỉ có thể biến thành một mảnh sân sau, một mảnh vườn nhỏ của châu Âu mà thôi. Mà xung quanh chúng ta đang có bao nhiêu nước có thế mạnh hơn nhiều như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
Việt Nam có EVFTA thì các nước xung quanh chúng ta cũng sẽ sớm có EVFTA với EU chứ không lâu nữa đâu. Chưa có họ đã hơn mình rồi, nếu có thì họ lại càng nhanh chóng hơn mình nữa.
Đó là điều cần xem xét đầu tiên và thứ nhất ở DN Việt Nam hiện nay. Thách thức lớn nhất của DN Việt Nam cũng chính là ở đó, thách thức vượt lên chính mình, để đi lên, chấp nhận thay đổi, chấp nhận "trả giá" để thay đổi.
- Rào cản thay đổi đối với DN Việt Nam còn có vấn đề nào, thưa bà?
Đối với DN Việt Nam, còn có cái khó ở chỗ sự thay đổi của họ nhiều khi cũng phải phụ thuộc rất nhiều vào sự thay đổi của môi trường kinh doanh..
Việc cải thiện thay đổi môi trường kinh doanh được chú trọng, nhắc nhiều suốt mấy năm nay nhưng trên thực tế mọi sự thay đổi đều chậm chạp. Bộ máy Nhà nước vẫn đang vận hành theo kiểu cũ của một nền kinh tế nửa kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nửa kinh tế thị trường, trong khi mình cam kết tham gia vào một hệ thống thị trường hiện đại bậc nhất hiện nay thì phải đặt mình trong một sân chơi mà cách chơi của họ khác hẳn, đòi hỏi cao hơn hẳn. Mình cam kết tức là mình đã thấy được tất cả những vấn đề đó.
Những cam kết cũng đã được đưa ra rất rõ trong hiệp định cũng như trong suốt quá trình thảo luận đàm phán cho hợp đồng, từng điều khoản, từng vấn đề nhỏ đã được đặt lên bàn của cả 2 bên, đã được tính toán kỹ lưỡng hết rồi. Như vậy chúng ta đã hiểu được những yêu cầu mới của phía EU như thế nào. Và chúng ta cũng hiểu rất rõ rằng nếu không làm được thì rất khó cho sự thành công của DN Việt Nam tại EVFTA.
Tôi cảm nhận đây sẽ là cơ hội tầm cỡ cuối cùng. Vì sau EVFTA, chúng ta khó có thể trông chờ vào một FTA quan trọng nào khác nữa. Tất nhiên có thể sẽ có thêm với Anh. Có thể họ sẽ sẵn sàng đàm phán với Việt Nam dựa trên EVFTA. Việt Nam cũng đang có những đàm phán với Israel nhưng so với quy mô của EU thì không thể bằng được. Các hiệp định thương mại tự do liên quan đến thị trường với Mỹ thì hiện nay vẫn còn nhiều phức tạp. Dù chúng ta đã ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP nhưng thời gian gần đây, các mặt hàng của Việt Nam xuất sang Mỹ vẫn bị đánh thuế cao.
Nói tóm lại EU vẫn là thị trường quan trọng nhất với địa vị rộng lớn, toàn diện, cách tiếp cận EU với Việt Nam cởi mở hơn rất nhiều so với các nước hay nền kinh tế khác. Vì thế EVFTA thực sự là cơ hội vàng. DN Việt Nam cần đặt ra những mục tiêu thực sự quyết liệt để vượt qua thách thức, để hội nhập và đạt được những cơ hội EVFTA mang lại.