Trước đây, trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thường hay xuất hiện cụm từ “trên nóng, dưới lạnh”, nghĩa là, dù cho Trung ương đã rất rốt ráo, cương quyết thực hiện, nhưng ở địa phương vẫn “lặng im như tờ”, không có chuyển biến. Thậm chí, cụm từ này đã phải dùng rất nhiều lần, trong các cuộc họp về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Bởi, thực tế, có sự e dè, nể nang của các địa phương trong việc tự phát hiện những sai phạm của cán bộ, công chức. Báo cáo của nhiều cấp ủy địa phương về phòng chống tham nhũng thường có chung cụm từ “không phát hiện được vụ án tham nhũng nào ở địa phương”. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 18/11/2022. (Ảnh: Kim Anh)
Nhiều năm qua Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, nhiều cá nhân sai phạm và cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp tục được đẩy mạnh trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Tuy nhiên, để “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” thì không chỉ Trung ương mà địa phương cũng phải tích cực vào cuộc. Có thực trạng “dưới lạnh” ở các địa phương thời gian qua là do sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của cấp ủy, thường vụ cấp ủy và đặc biệt bí thư cấp ủy.
Không đâu nắm rõ tình hình địa phương hơn chính cấp ủy và những người đứng đầu cấp uỷ tại cơ sở, địa phương đó. Vậy nhưng, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lại không được phát hiện từ đây, mà thường là từ Trung ương, từ tai mắt của người dân, từ phát hiện của các cơ quan truyền thông. Thực tế là nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở các địa phương, nhưng cấp ủy, tổ chức Đảng ở địa phương không phát hiện ra hoặc cố tình không phát hiện ra.
Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tháng 8/2022. Ảnh: Kim Anh
Địa phương “đẩy" các vụ tham nhũng, tiêu cực lên Trung ương giải quyết
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “dưới lạnh”, trong đó có cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Các địa phương thường “đẩy” những vụ tham nhũng, tiêu cực lên Trung ương, mà không tự mình xử lý trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, do nhiều nguyên nhân, nhưng có một số nguyên nhân cơ bản sau:
Một là, cấp ủy, nhất là bí thư cấp ủy còn e dè, nể nang, né tránh trách nhiệm, nên đùn đẩy lên Trung ương…
Hai là, các thành viên cấp ủy, nhất là bí thư cấp ủy ít hay nhiều “tay cũng nhúng chàm”, cũng có tham nhũng, tiêu cực rồi, nên họ không dám xử lý ai. Họ thực hiện theo phương châm: dĩ hòa vi quý; ta không đụng đến ngươi, thì ngươi cũng không đụng đến ta…
Ba là, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng yếu kém, thực hiện nguyên tắc tự phê bình, phê bình chỉ là hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh…
Để khắc phục thực trạng này, Ban chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Quy định số 67 – QĐ/TW ngày ngày 02/6/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cho đến thời điểm này, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Từ đó đã có sự vào cuộc của các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh tại các địa phương.
Nhưng sự vào cuộc của các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh không đồng đều nhau: có tỉnh bắt đầu vào cuộc quyết liệt; có tỉnh đã vào cuộc nhưng chưa quyết liệt; có tỉnh còn đang khởi động chưa vào cuộc...
Các địa phương chuyển từ trạng thái “lạnh” sang trạng thái “ấm”
Gần đây công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng ở địa phương đã có những dấu hiệu tích cực, có sự chuyển biến đáng kể khắc phục được phần nào tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, một căn bệnh trầm kha. Theo thống kê chưa đẩy đủ, đã có những tỉnh, thành phố phát hiện và xử lý kỷ luật, một số địa phương đã khởi tố nhiều vụ án và bị can về tội tham nhũng, tiêu cực như: tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố 7 vụ với 8 bị can, Thanh Hóa 7 vụ với 16 bị can, Bắc Ninh 6 vụ với 22 bị can, Nam Định, Phú Thọ mỗi tỉnh khởi tố 10 bị can... Những chỉ dấu này cho thấy, trên "nóng", dưới đã "ấm" dần lên.
Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Thanh Hóa họp phiên thứ nhất (Ảnh: Báo Thanh Hóa)
Đây là những dấu hiệu cho thấy, các cấp uỷ Đảng địa phương đã và đang có những chuyển biến rõ dần, đã có dấu hiệu vào cuộc càng ngày càng quyết liệt hơn, thực hiện đúng tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, cùng Trung ương trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực, để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao.
Các địa phương chuyển từ trạng thái “lạnh” sang trạng thái “ấm” dần lên là do các động lực thúc đẩy sau:
Thứ nhất, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được sự thống nhất trong Đảng, được Nhân dân đồng tình ủng hộ ở mức cao và đã trở thành xu thế tất yếu, trở thành dòng thác mạnh mẽ…đến mức các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương không thể đứng ngoài cuộc, không thể cứ thờ ơ, cứ “lạnh” mãi được
Thứ hai, theo quy định của Trung ương: cấp ủy, nhất là bí thư cấp ủy phải có trách nhiệm cao lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là thước đo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, bí thư cấp ủy
Thứ ba, sẽ xử lý kỷ luật cấp ủy, nhất là bí thư cấp ủy, nếu để địa phương mình phụ trách, xảy ra tham nhũng, tiêu cực
Thứ tư, khi các tỉnh ủy, thành ủy đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh, thì các Ban chỉ đạo này phải hoạt động theo đúng Quy định 67ngày ngày 02/6/2022 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thứ năm, trước sự đòi hỏi của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương; đồng thời trước sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí…các địa phương không thể “lạnh” mãi được, mà buộc phải chuyển sang trạng thái “ấm” dần lên, dần phải “nóng” lên…
Các thành viên BCĐ Phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP Hải Phòng.
Cấp ủy và bí thư cấp ủy phải thực sự bản lĩnh
Có thể khẳng định rằng, việc gì mới, chưa có tiền lệ, thực hiện bao giờ cũng khó. Đặc biệt trong công tác phòng chống tham nhũng được cho là nhạy cảm và phải thật bản lĩnh, thực sự khách quan, vì cái chung. Việc thành lập và hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương thường khó khăn hơn vì các mối quan hệ dòng họ, thân tộc, các mối quan hệ thân hữu thường chặt chẽ hơn; cơ chế kiểm soát quyền lực ở địa phương cũng thường khó vận hành hơn...
Cho nên, dù đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng ở nhiều địa phương hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh chưa thực sự có hiệu quả, chưa phát hiện ra các vụ sai phạm về tham nhũng, tiêu cực địa phương…
Do vậy, ở nhiều địa phương đòi hỏi cấp ủy, nhất là bí thư cấp ủy phải thật bản lĩnh, thực sự khách quan, công tâm, vì cái chung thì công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực mới thực “nóng” lên được
Ngoài những cơ chế cần thiết cho công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, để loại bỏ những tâm lý, những rào cản trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương, thì cần phải:
Thứ nhất, thực hiện bí thư cấp ủy không phải là người địa phương ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hạn chế các mối quan hệ dòng họ, thân tộc…
Thứ hai, kịp thời thay thế ngay bí thư cấp ủy ở địa phương nào, nếu ở địa phương đó xảy ra tham nhũng, tiêu cực, mà cấp ủy, bí thư cấp ủy không xử lý theo thẩm quyền, trách nhiệm
Thứ ba, phải tạo thành phong trào rộng khắp ở địa phương; sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị; có cơ chế hữu hiệu để cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương kiên quyết, kiên trì công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ tư, huy động toàn xã hội, các cơ quan báo chí…vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Kỷ luật nặng cấp ủy và bí thư nếu địa phương xảy ra tham nhũng
Cấp ủy, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Bí thư cấp ủy đồng thời là trưởng Ban Chỉ đạo… Ở địa phương nào thực hiện tốt, có kết quả, có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thì được khen thưởng, tôn vinh xứng đáng;
Ngược lại, địa phương nào làm không tốt, làm chiếu lệ, hình thức, thậm chí bao che cho nhau, thì xử lý kỷ luật thật nghiêm cấp ủy, nhất là bí thư cấp ủy.
Đặc biệt là khi đã có ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, mà tỉnh, thành nào còn để xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì kỷ luật nặng đối với cấp ủy và thay thế, thậm chí miễn nhiệm bí thư cấp ủy
Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không phải là câu chuyện của riêng ai, để phòng chống tham nhũng, tiêu cực không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, và để cho sự thụ động, e dè, thiếu quyết liệt, thậm chí là né tránh không còn tồn tại thì hơn bao giờ hết, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà trước hết là những người đứng đầu cấp uỷ và lãnh đạo các địa phương, bộ ngành. Nếu như công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện đúng như tinh thần của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” thì có lẽ, những hành vi tham nhũng sẽ không còn đất sống.