Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bỏ thời hạn công khai kết luận thanh tra là ngược luật phòng chống tham nhũng

(VTC News) -

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, việc bỏ quy định thời hạn công khai kết luận thanh tra là ngược lại với quy định của luật phòng chống tham nhũng.

Sáng 7/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Phải quy định thời hạn công khai kết luận thanh tra

Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã bỏ quy định thời hạn công khai kết luận thanh tra.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, luật hiện hành quy định sau khi ký kết luận thanh tra, trong thời hạn 10 ngày phải công khai kết luận thanh tra. Đây cũng là yêu cầu của pháp luật về phòng chống tham nhũng, đòi hỏi phải công khai minh bạch hoạt động của cơ quan tổ chức để phòng ngừa tham nhũng.

"Tuy nhiên, tại điều 75 của dự thảo đã bỏ quy định về thời hạn công khai. Đồng thời lại sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan như trước khi công khai kết luận có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra tại điều 74 hay nghiêm cấm tiết lộ thông tin liên quan đến cuộc thanh tra sau khi kết luận thanh tra chưa được công khai tại khoản 5, điều 9", ông Cường nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường.

Vị đại biểu Quốc hội nhận định, việc sửa đổi như trên có thể đem lại thuận lợi cho cơ quan thực hiện thanh tra, nhưng không phù hợp với chủ trương công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, chính xác của hoạt động thanh tra.

"Việc sửa đổi này còn ngược lại với quy định của pháp luật phòng chống tham nhũng về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan tổ chức, gây khó khăn cho các đối tượng phải thực hiện kết luận thanh tra", ông Cường nhấn mạnh.

Chia sẻ về sự mâu thuẫn này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam phân tích, không quy định thời hạn công khai nên sẽ không rõ thời điểm nào kết luận sẽ được công khai, các cơ quan nhà nước có thể trì hoãn việc công khai.

Bên cạnh đó, sẽ khó xác định giá trị pháp lý của kết luận thanh tra, vì kết luận này có thể bị sửa đổi, bổ sung trước khi công khai.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho biết, về nguyên tắc, khi kết luận được ký thì phải thi hành, tuy nhiên, nếu kết luận chưa công khai thì làm sao thi hành được mà không vi phạm điều cấm là tiết lộ thông tin liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa công khai.

"Qua đây, tôi đề nghị cần quy định rõ trong thời hạn 10 - 15 ngày sau khi ký thì phải công khai kết luận thanh tra, tránh được sự can thiệp tác động vào kết luận thanh tra sau khi đã được ký", ông Cường nói thêm.

Giữ thanh tra cấp huyện

Thảo luận tại kỳ họp thứ 3, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật tiếp tục giữ Thanh tra huyện như hiện hành. Một số ý kiến đề nghị không tổ chức Thanh tra huyện hoặc không thành lập Thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo nhận thấy, Thanh tra huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Việc tiếp tục duy trì, củng cố Thanh tra huyện để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp, kịp thời phát hiện các sai phạm phát sinh ngay từ ở cơ sở; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và trung ương.

"Thanh tra huyện không chỉ thực hiện nhiệm vụ về thanh tra mà còn là đầu mối tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng khác được giao trong các luật, như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng...", ông Tùng nhấn mạnh.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà là do chưa được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc không duy trì Thanh tra huyện tuy giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các địa bàn cấp huyện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.

Do đó, đề nghị tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội giữ Thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua, trước hết cần khẩn trương kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để Thanh tra huyện có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trước đó, phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) liên quan đến tổ chức bộ máy và hoạt động thanh tra trong nhiều ngành, lĩnh vực, từ trung ương đến địa phương.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu cho ý kiến để làm rõ hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; giải pháp đảm bảo tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra.

Anh Văn

Tin mới