Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch Quốc hội: Không nóng vội, không vì lộ trình mà thông qua dự án luật

(VTC News) -

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh chỉ đưa vào luật những vấn đề đã chín, đã rõ, không vì lộ trình mà thông qua trong khi thực tiễn chưa giải quyết.

Sáng 7/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Chia sẻ về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, đây là dự án luật có tác động rất lớn đến ngành y tế và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

"Vấn đề này nhận được sự quan tâm sâu sắc, không chỉ trong ngành y tế mà còn của cử tri, Nhân dân cả nước. Việc xây dựng các quy định đòi hỏi sự thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ đưa vào Luật những vấn đề đã chín, đã rõ, có tính khả thi, không nóng vội, không vì lộ trình mà phải thông qua trong khi thực tiễn chưa giải quyết được, cần tiếp tục thể chế hóa các Nghị quyết số 19, 20 của Trung ương Đảng về Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập, lấy người bệnh làm trung tâm, y tế cơ sở là nền tảng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận những nhóm vấn đề về phạm vi điều chỉnh; bố cục của dự thảo Luật; thẩm quyền và điều kiện cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (chứng chỉ đào tạo, việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong khám, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài…).

Ngoài ra, ông Huệ cũng đề nghị đại biểu thảo luận, làm rõ hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh; cách thức chuyển tuyến, kết nối các tuyến khám, chữa bệnh; việc phân cấp đối với cơ sở y tế tư nhân; cơ chế tài chính, giá dịch vụ; xã hội hóa, tự chủ trong khám, chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật; khám bệnh, chữa bệnh từ xa; y học gia đình...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị.

Trước đó, phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sắp tới có nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng. Các dự án, dự thảo dự kiến trình Quốc hội thông qua đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tổ chức thảo luận, lấy ý kiến qua nhiều vòng, tại nhiều hội nghị, hội thảo tham vấn.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến kỹ lưỡng về những vấn đề lớn còn có góc nhìn khác nhau tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ ngày 15 đến 18/8/2022).

"Để có thêm ý kiến đa dạng, nhiều chiều, giúp cơ quan hữu quan nhận diện thêm những vấn đề mới phát sinh, nắm bắt bao quát toàn diện, giải trình thấu đáo hơn, bảo đảm chất lượng cao nhất của các dự án, dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến từng dự án. Qua đó, góp phần vào việc xem xét, thông qua của Quốc hội đạt tỷ lệ tán thành cao, đồng thời, rút ngắn thời gian kỳ họp", Chủ tịch Quốc hội nói.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 2 của nhiệm kỳ khóa XV sẽ tập trung thảo luận về 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gợi mở, nhấn mạnh và trao đổi một số nội dung cơ bản xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Bên cạnh Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong hai ngày 7-8/9, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách còn cho ý kiến 1 dự thảo nghị quyết và 5 dự án luật khác, gồm Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và đất nước, tham gia đầy đủ các phiên họp, thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa thực tiễn với lý luận, giữa tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân với các quyết sách trình Quốc hội xem xét thông qua.

Ông Huệ cũng cho rằng, cần tranh thủ tối đa thời gian, cơ hội để nghiên cứu, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhằm đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo.

Các ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ là cơ sở quan trọng để cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật với mục tiêu đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4. 

Anh Văn

Tin mới