Theo Bộ GD&ĐT, có hơn 7,5 triệu học sinh ở các địa phương đang học trực tuyến, trong đó khoảng 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập.
Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cho biết, qua khảo sát, 100% học sinh đủ thiết bị học tập, nhưng có tới 60% em dùng điện thoại. Màn hình điện thoại bé, học sinh khó nhìn màn hình giáo viên chia sẻ, trình chiếu video học tập. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập.
Bà Đinh Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội, cho biết, trường có 835 học sinh đầu năm rà soát chỉ có khoảng 30 em có máy tính học trực tuyến, đến nay con số này tăng lên thành 80 em, số còn lại phải học bằng điện thoại.
“Có đến một nửa học sinh phải học điện thoại cũ của bố mẹ. Việc học trực tuyến bằng điện thoại cũ, màn hình mờ, nhanh hết pin sẽ ảnh hưởng tới mắt cũng như hạn chế các em ghi chép bài vở trên lớp. Biết nhiều hạn chế như vậy nhưng học sinh ở vùng nông thôn điều kiện gia đình khó khăn, không có giải pháp khác”, bà Dung cho biết.
Tại các địa phương, khảo sát từ đầu năm học cho thấy tỉ lệ học sinh thiếu thiết bị học tập còn nhiều. Ở Sơn La, chỉ có 30% học sinh có thiết bị học tập; Nghệ An thiếu 69.000 thiết bị.
Vẫn chỉ có số ít học sinh có điều kiện học trực tuyến với máy tính. (Ảnh: Như Ý)
Ảnh hưởng mắt, chất lượng học tập
Tại TP.HCM, đến thời điểm này, dù tỉ lệ học sinh thiếu thiết bị học tập đã giảm từ 75.000 xuống còn hơn 30.000, nhưng chưa có báo cáo có bao nhiêu em được sử dụng máy tính để học tập.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, cho biết, đầu năm học có 69.000 học sinh thiếu thiết bị học tập; đến nay, địa phương kêu gọi hỗ trợ, quyên góp được hơn 15 tỷ đồng mua thiết bị; đa số học sinh đã có phương tiện để học tập. Tuy nhiên, trong số đó, đa số học sinh sử dụng điện thoại để học tập vì gia đình khó khăn, không có tiền mua máy tính.
“Nếu học trực tuyến bằng điện thoại kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới thị lực và khó khăn trong tiếp nhận thông tin, ảnh hưởng chất lượng học tập. Tuy nhiên, ở địa phương, thời gian học trực tuyến của học sinh không kéo dài. Đến nay, chỉ còn học sinh lớp 1 và 11 ở TP Vinh học trực tuyến, các huyện khác đã học trực tiếp”, ông Thành cho hay.
TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nói rằng, thực tế ở gia đình có 2 học sinh học trực tuyến phải vừa trang bị mỗi cháu 1 máy tính để học chính vừa phải có thêm 1 điện thoại thông minh để chụp ảnh, gửi bài cho giáo viên. Mỗi ngày, cô giáo giao bài tập, yêu cầu học sinh chụp lại, hoặc làm bài tập xong chụp gửi đi. Theo dõi trẻ học, ông thấy, nếu chỉ học bằng điện thoại màn hình nhỏ, học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn, khó thao tác.
Theo ông Khuyến, khi học sinh không nắm được bài, chất lượng yếu kém, dẫn tới nguy cơ bỏ học là điều cần tính tới. “Có thể nói, với tỉ lệ học sinh dùng điện thoại học là chủ yếu như hiện nay chỉ có thể là cách học đối phó, tạm thời trong một thời gian ngắn. Nếu kéo dài nhiều tháng, học sinh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mắt, tâm sinh lý. Tôi từng có ý kiến phản đối việc cho học sinh tiểu học, THCS học trực tuyến. Phương thức này áp dụng cho học sinh THPT, cao đẳng, đại học sẽ hợp lý hơn”, ông nhấn mạnh.
Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị, không nên xem điện thoại di động là thiết bị học trực tuyến. Cần có chính sách tốt hơn để các em có thiết bị học tập đảm bảo an toàn cho mắt.