Tối 19/3, Trung úy Vàng Lao Lừa là một trong số những gương mặt nhận danh hiệu “10 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2018”, bởi những đóng góp của trong hoạt động của đơn bị cũng như công tác tuyên truyền, vận động xóa mù chữ.
Mở lớp học xóa mùa chữ
Với mơ ước trở thành chiến sỹ biên phòng, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Vàng Lao Lừ (xã Mường Lự, Yên Châu, Sơn La) luôn nỗ lực không ngừng trong học tập.
Học xong cấp III, Lừ đã viết đơn tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự. Trong thời gian rèn luyện quân ngũ, anh được Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sơn La cử đi học tại trường Trung cấp Biên phòng II (Vũng Tàu).
Ra trường năm 2015, anh được điều động về Tiểu đoàn huấn luyện cơ động thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La. Sau hai tháng huấn luyện tại đây, tháng 11/2016, anh được phân công về Đồn Biên phòng Mường Lạn với công tác vận động quần chúng.
Trung úy Vàng Lao Lừ mở lớp học xóa mù chữ. (Ảnh: Tienphong)
Nơi anh đến là một bản xa của xã Mường Lạn, nơi không có điện-trường-trạm. Không những vậy, đường xá trơn trượt, chênh vênh, địa hình cheo leo, điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Hơn nữa, người dân chủ yếu là dân tộc Mông, không biết chữ, cuộc sống thiếu thốn, nhận thức còn hạn chế. Với họ chỉ cần lo cái bụng no, cho mảnh nương, đàn lợn ở nhà là đủ. Họ ít tiếp xúc với bên ngoài nên nghĩ rằng không cần học, cũng không cần biết chữ.
Trong một lần khi đi làm công tác tuyên truyền, thấy bà con tự ti, e dè, Vàng Lao Lừ hỏi “Lý do mọi người ngại tiếp xúc với cán bộ là gì?". Bà con thẳng thắn trả lời “Vì không biết chữ nên không biết nói gì, bản thân chỉ cuốc nương, làm ruộng…..mà con chúng tôi quen cầm xẻng, cầm cuốc thì liệu có đi học được không?”.
Câu nói của bà con khiến Lừ trăn trở và quyết định sẽ mở lớp học giúp bà con biết chữ. Thế là lớp học xóa mù chữ tại bản Co Muông đã được hình thành và khai giảng vào ngày 18/1/2017.
Ban đầu, Vàng Lao Lừ dạy chung tất cả học sinh một lớp bao gồm các lứa tuổi khác nhau. Sau đó khi số lượng đông lên, anh bắt đầu phân loại ra, ai biết đọc biết viết hay biết tính toán thì sẽ cho học khó lên. Còn đối với người có con nhỏ, không có điều kiện đi học, tiếp thu chậm thì anh tiếp tục dạy đến khi thuần thục chữ cái.
Đi bộ nhiều giờ vận động người dân đi học
Để thuyết phục được trẻ em, người dân tới lớp, anh đã chứng minh bằng các mô hình để dân hiểu được con chữ đem lại được ấm no cho vùng như trồng cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi gia cầm....
Không quản ngại đường xá lầy lội, gập ghềnh, thầy giáo “quân hàm xanh” Vàng Lao Lừ hàng ngày đều đặn đến lớp dạy học với mong muốn người dân tại Yên Châu biết đọc, biết viết. Từ đó, nâng cao kiến thức về cuộc sống cho người dân.
Trung úy Vàng Lao Lừ hướng dẫn học viên tại lớp học xóa mù bản Co Muông. (Ảnh: Báo Biên phòng)
Vị trung úy này kể: “Đường xá đi lại khó khăn khi chủ yếu là đường đất, mưa gió trơn trượt gây trở ngại cho công việc dạy học, tuyên truyền hay giúp đỡ người dân. Quãng đường từ đơn vị tới trường khoảng 13km, nếu đi xe máy mất khoảng 1h. Đặc biệt, có nhiều hôm trời mưa gió, đường xá rất khó đi, tôi đã phải bỏ xe lại và đi bộ 3-4 tiếng mới tới nơi dạy".
Anh Lừ thừa nhận nhiều lúc rất nản chí nhưng nghĩ đến khuôn mặt thân thương của học trò với ánh mắt đầy hy vọng của những đứa trẻ, là động lực giúp anh hàng ngày đều đặn vượt qua những cung đường khó khăn để gieo chữ.
Hiện lớp họ anh Lừ dạy có 43 học sinh, nhỏ nhất là 9 tuổi và lớn nhất là 38 tuổi. Vì vậy, quá trình tiếp thu có sự khác nhau. Những học sinh nhỏ tiếp thu tốt hơn và nhớ lâu hơn còn đối với anh chị có tuổi, vì từ nhỏ tới lớn chưa cầm bút nên viết rất khó dạy.
Về giáo trình dạy học, anh dạy chương trình theo sách biên soạn của Bộ GD&ĐT về công tác xóa mù chữ.
Phòng học tạm bợ khi phải đi mượn, bàn ghế cũ kỹ, ọp ẹp, đường xá xa xôi, gập ghềnh...Vì vậy, trung úy Vàng Lao Lừ hy vọng, thời gian tới có sự chung tay giúp sức của các cấp bộ đoàn để xây dựng điểm trường cho cháu nhỏ, hỗ trợ trang thiết bị để các cháu được tiếp cận với thông tin.
Niềm vui khi được gọi là “thầy giáo”
Ít ai biết, niềm vui mỗi ngày của thượng úy Vàng Lao Lừ khi mang con chữ lên vùng cao là được các em học sinh nhỏ tuổi hay người lớn đều chào hai tiếng “thầy Lừ”.
Thầy giáo “quân hàm xanh” còn xúc động hơn khi vào ngày lễ, sinh nhật nhận được món quà là những thứ học sinh, người dân làm được như chuối, rau, đu đủ....
“Tôi như vỡ òa cảm xúc trước những món quà bình dị, giản đơn mà chan chứa tình cảm đó”, chiến sỹ biên phòng vui vẻ nói.
Trong buổi giao lưu, chia sẻ quá trình phấn đấu của bản thân trong tối 19/3, câu chuyện của Vàng Lao Lừ khiến Hoa hậu H'hen Niê không kìm nổi nước mắt. Bởi đó nó khiến H'hen nhớ lại chính tuổi thơ nơi quê hương nghèo khó cùng hành trình học chữ gian nan của mình.
H'hen Niê không kìm nổi nước mắt khi nghe câu chuyện của thầy giáo Vàng Lao Lừ. (Ảnh: Tiền Phong)
Là một trong những người nhận danh hiệu "10 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2018”, Vàng Lao Lừ cho biết rất vinh dự, tự hào khi được các cấp bộ ngành ghi nhận sự cố gắng, những đóng góp trong hoạt động xóa mù chữ tại Yên Châu, Sơn La. Những việc làm tuy nhỏ nhưng sự động viên, khen thưởng là động lực để anh cố gắng hơn và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Anh cho rằng, những việc làm của bản thân không phải vì mục đích đạt giải thưởng mà vì nhân dân, vì cộng đồng. Trung úy Vàng Lao Lừ tham gia làm công tác tuyên truyền, giúp đỡ bà con nhân dân ờ vùng biên giới Sơn La học tập.
Anh từng giành nhiều giải thưởng như được vinh danh thầy giáo quân hàm xanh và danh hiệu Chiến sỹ tiêu biểu trẻ ở lực lượng bộ đội năm 2017, Chiến sỹ tiêu biểu trẻ toàn quân năm 2018...