Kỳ cuối: Rời hòn Khe Trâu vội vã
Mặt nước biển ở Cô Tô rất yên bình nhưng đối với những tay chèo gà mờ như chúng tôi thì cũng là một sự trải nghiệm khá là mất sức nhưng đầy thú vị.
Chính xác thì những thằng con trai trải chiếu lên cát nằm nghe sóng ru vào giấc ngủ. Những cô gái xinh đẹp thì tỏ ra liều lĩnh, ở lại trong chòi đối diện với bóng đêm.
Đêm hôm ấy, tôi nằm mơ thấy một toán cướp biển đổ bộ lên hoang hòn. Đám cướp biển lên đảo, bắt đi những cô gái xinh đẹp.
Cùng lúc ấy ở trong chòi, tiếng một cô gái hét lên thất kinh làm tôi tỉnh giấc thoát khỏi giấc mơ về lũ hải tặc. Thấy chuyện chẳng lành, chúng tôi chạy vào thấy mắt cô sưng vù vì bị côn trùng đốt.
Bãi đá là một trong những điểm thu hút nhất của Cô Tô...
Buổi sớm đầu tiên trên hòn Khe Trâu, loài người bị đánh thức theo cách không tưởng. Rồi cũng ăn một bữa sáng chẳng khác mấy thời nguyên thủy với toàn ốc luộc – thứ đồ ăn duy nhất có ở thời điểm ấy.
Và bạn tưởng tượng xem, bụng thì đói cồn cào mà phải ngồi kiên nhẫn khêu từng con ốc một cho vào mồm. Hỏi đến bao giờ mới no? Thực tế mất 15 phút và chẳng ai có thể nói được khi nồi ốc hết bay. Lúc ấy, mọi ánh mắt đều dồn về đáy nồi, cùng mơ tưởng về bữa cơm canh cá chua trưa nay.
“Chúa hòn” Thanh đánh thuyền sang Khe Trâu đưa chúng tôi đi câu ở bờ Bắc, nơi có những con dê thả trên sườn núi, không màng những con sóng dữ dội dưới chân.
... Nhiều người còn mạo hiểm leo lên những mỏm đá chênh vênh. Những ngày nắng đẹp, từ đây du khách có thể nhìn rõ mặt biển xanh mướt, làn nước trong xanh tận đáy
Thuyền câu dừng được một lúc, chúng tôi chưa câu được con cá nào thì thay nhau trả lại hết những con ốc ăn buổi sáng cho biển khơi. Bấy giờ tôi mới hiểu, say sóng khi thuyền đứng yên một chỗ kinh khủng hơn nó di chuyển như thế nào.
Trưa hôm ấy, chúng tôi ăn cơm với canh rau chua mà không có cá. Hết một ngày vật vã lo kiếm ăn sinh tồn, chúng tôi bắt đầu oải. Trong đầu tôi đã nghĩ đến chuyện phá lệ, nhờ “chúa hòn” tiếp tế lương thực từ đảo Cô Tô Lớn. Nhưng nghĩ lại thì thấy mình kém cỏi. Sống giữa một nơi đầy sản vật ngon mà không kiếm nổi để ăn. Nghĩ đến đây thì tôi bực mình, tôi chấp nhận đổ máu một lần nữa, xách lưới ra bãi đá trước chòi vùng vẫy, hụp lặn. Cuối cùng, trời thương cho đầy một nồi cá.
Những thớ đá xếp chồng lên nhau.
Tối hôm ấy, chúng tôi được ăn no đúng nghĩa. Chúng tôi còn được uống rượu của “chúa hòn” mang sang. Rượu say tới mức một anh bạn trong đoàn ngủ quên ngoài lan can chòi. Nửa đêm trời đổ mưa, anh lạnh quá, vào lấy màn ra cuốn quanh người rồi ngủ tiếp và cứ thế xìu người đi.
Gần sáng, trời mưa to hơn, tôi vùng dậy phát hiện anh bạn cuốn màn như bị trúng gió. Thế là tất cả lại bị đánh thức theo cách không muốn có. Hôm ấy ngày 7/7 âm, ngày ngâu, ngày thất tịch, ngày Ngưu Lang gặp Chức Nữ, chúng tôi cuốn gói khỏi hòn Khe Trâu vội vã, lo sợ đến không kịp thu những chiếc quần con còn đang mắc trên cành cây khô.
Trước khi rời Cô Tô, chúng tôi quyết định thuê xe máy ra Bãi Đá - nơi mà người Cô Tô hết lời ca ngợi và gọi nó là đỉnh Kỳ Vĩ.
Dưới chân Bãi Đá, gió không lớn, biển không động nhưng cảm thấy rõ tiếng sóng vỗ khe, lạch lòi thanh vọng. Đường lên đỉnh Kỳ Vĩ của Bãi Đá, rách nham nhở. Nước mưa chạy dốc, cứa những vệt sâu hoắm lên mặt đường.
Bãi đá là nơi đón ánh bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp trên đảo Cô Tô.
Trên đỉnh Kỳ Vĩ, tôi nhận ra một vũ khúc của cặp đôi núi đá – biển cả. Đá dựng mỏm, ăn ra, hõm vào. Biển ôm eo lượn đường cong gợi cảm, cố gắng chồm lên, song sức sóng có hạn, chỉ còn là mơn man, gắng gượng, bào mòn những thớ đá dưới chân.
Đỉnh Kỳ Vĩ đang mùa sim chín, tím đen bãi bên sườn. Đỉnh Kỳ Vĩ có những vệt cỏ mướt và có thể biến thành tấm trượt, bẫy những kẻ bị sự kỳ vĩ hút hồn đến bất cẩn sa chân. Ở đời mọi thứ đều có giá. Thiên nhiên cũng thế. Muốn uống cho no bầu tạo hóa tuyệt mỹ, phải chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận để bầu tạo hóa có lúc nuốt chửng mình.
Tạm biệt Cô Tô yên bình hoang sơ...!!!
Vì thế, trên đỉnh Kỳ Vĩ, người ta có thể thốt lên sung sướng khi đưa mắt phóng ra xa hết cỡ để ngắm biển mênh mông nhưng cũng có thể rùng mình khi đưa mắt rọi xuống miệng vực thăm thẳm.
Chúng tôi cùng rọi xuống, cùng đồng thanh tiếng nói tạm biệt: “Tạm biệt Khe Trâu, tạm biệt Cô Tô!”.