Kỳ 1: Chờ tàu ở Cái Rồng
Lần đầu tiên tôi đến Cái Rồng cách đây 11 năm, tôi cứ hỏi mãi về cái tên “Cái Rồng” mà ai cũng như ai chỉ cắt nghĩa được nửa chừng, tức chữ “Rồng” = con Rồng.
Hành trình đến với Cô Tô xuất phát từ cảng Cái Rồng.
Cái Rồng vạn năm khép mở những hòn núi muôn hình vạn trạng, nhô lên khỏi mặt vịnh, chặn gió, chặn sóng, chặn đường chân trời.
Người ta bảo biển cả bao la nhưng tôi thấy biển cả có lúc vô cùng chật chội. Ấy là khi biển làm tù nhân, bị ma trận sơn ghìm sóng, khóa lòng. Ấy là khi biển nằm trong vịnh - cái vịnh với những hòn Tỳ Nam, hòn Đồng, hòn Rồng, hòn Cò, hòn Cỏ, hòn Ót... đọc tên như đập phách, xướng âm.
Trưa chờ tàu ở cảng Cái Rồng, bất giác cảm nhận về biển cả đất trời và con người nơi đây – điểm khởi đầu của một hành trình.
Vượt vịnh không sóng
Từ trên tàu, Cái Rồng lùi dần khuất xa...
...để nhường chỗ cho bao la biển trời mây nước.
Tàu cao tốc nổ máy, thải về phía sau những luồng khói đen đượm mùi khét. Guồng máy quay, tàu ray sóng chuyển mình. Mũi tàu rẽ lối, đẩy lùi về phía sau từng dải sóng lan, bọt tung trắng xóa. Hai mang tàu sóng uốn xôn xao, nhấc lên hạ xuống những con thuyền xuôi ngược.
Bạn tôi khóa mình dưới boong, chìm vào giấc ngủ. Ám ảnh nao nao của những cơn say khiến họ sợ hãi.
Tôi cũng say nhưng say trên boong tàu khi ngồi “uống” bầu tạo hóa mê hồn của mây trời sắc nước và núi đá vôi. Cảnh sắc xung quanh đan phối vào nhau tầng tầng, lớp lớp trên tấm toan nền xanh đến kỳ ảo, ngút mắt, mênh mông. Tôi lặng yên mà cảm nhận.
Đoạn này mây vẽ vẩy rồng, núi vẽ dáng lân. Đoạn kịa núi vẽ những hình thù kỳ dị, mây cười xõa tóc. Rồi đoạn khác núi gác chân nằm ngủ, sóng rung rung lay mình không thèm trở giấc. Núi ném vãi hòn to, hòn nhỏ về tứ bề trong cơn mê mộng, mặc mây khóc thành dòng…
Đường ra đảo đẹp như một bức tranh.
Trời đã đẹp, nước đã đẹp, núi cũng đẹp... Tất cả như rủ nhau về đây hội họp để người ngắm mê say.
Bấy giờ tôi mới hiểu vì sao con rồng con (Bái Tử Long) cúi đầu lạy mẹ (Hạ Long) trong truyền thuyết đàn rồng xuống trần, phun châu nhả ngọc (núi đá vôi và thạch phiến) dựng thành lũy ngăn giặc ngoại xâm lại xin Ngọc Hoàng được ở lại nơi này.
Rút cuộc, cái đẹp luôn biết cách níu chân dù đó là người trần mắt thịt hữu hình hay rồng con, rồng mẹ vô hình trong truyền thuyết.
Vịnh Bái Tử Long như một cô thiếu nữ tinh khôi, đầy mê hoặc...
Vượt qua vịnh không sóng Bái Tử Long, qua cửa sông Mang - cái cửa sông thực chất là eo biển nằm giữa hai đảo Quan Lạn và Trà Bản, sóng bắt đầu vỗ nhịp nhấp nhô.
Vịnh nằm lại phía sau, đóng khung hết sải mắt đưa, trải dài như bức tường thành với cửa vào một đồ sơn trận. Thuyền tiến về phía trước và Cô Tô mờ ảo hiện ở đường chân trời...
Cô Tô đây rồi!
Gần hơn chút nữa, bóng chàng trai choãi chân, nằm gối đầu lên tay, ngửa ngắm vòm trời. Chàng Sơn (tên cổ của Cô Tô) là vậy? Còn Nàng Sơn ở nơi đâu sao để dải cát trắng trải dài tựa đường khâu xổ mũi, sợi chỉ đứt quãng trên mặt biển? Ôi! hữu ý thật, cái đường khâu vụng về đúng sở đoản nam nhi!
Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp vùng Đông Bắc.
Lại gần hơn chút nữa, dải cát trắng biến hình thành lưỡi liềm, xén ngang lớp sóng. Cô Tô bắt đầu thóp bụng, chuyển mình nhô dáng người thêm cao trong vòm mắt những người đang tiến lại gần. Gió Cô Tô thổi nhẹ, thổi như xúi giục phi lao xếp hàng cựa quậy. Gió Cô Tô như bàn tay vén tóc, rẽ mở từng khe cây, chập chờn từng sắc ngói đỏ tươi.
Cô Tô đây thật rồi sau hành trình nửa ngày. Thuyền cập cảng, bên những chiếc đinh bê tông khổng lồ, song song đóng vào lòng biển.
Đón chúng tôi ở cầu cảng là “chúa đảo” tên Thanh. Chúng tôi gọi anh là “chúa đảo” vì trước đó đã liên hệ với anh “thuê” đảo. Tuy nhiên, không ai trong đoàn biết anh là “chúa” của hòn đảo nào trên Cô Tô khi mà cả huyện đảo này có tới 71 đảo, hòn, lớn nhỏ.
Đảo Cô Tô - hòn đảo thiên đường vùng Đông Bắc.
Trước mặt chúng tôi, “chúa đảo” Thanh chỉ là người đàn ông gầy gò, da ngăm ngăm đen, ăn mặc tuyềnh toàng như vừa từ thuyền cá đi lên sau chuyến xa khơi dài ngày. Và tôi biết chắc phía trước chúng tôi sẽ là một hòn đảo đầy hoang sơ mà "chúa đảo" sẽ đưa chúng tôi đến khám phá.
(Còn tiếp...)