Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hoạt động của Đại sứ Myanmar tại Liên hợp quốc sau bài phát biểu chấn động

(VTC News) -

Vài tuần sau khi quân đội giành quyền kiểm soát ở Myanmar, Đại sứ Kyaw Moe Tun kêu gọi quốc tế "sử dụng phương tiện cần thiết” để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng.

Khi còn là sinh viên đại học nhiều năm trước, Đại sứ Myanmar tại Liên hợp quốc Kyaw Moe Tun từng tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1988 ở Myanmar. “Tôi luôn nghe lời bố mẹ và họ muốn tôi ở nhà", ông nói.

Hiện tại, với tư cách là đại sứ Myanmar tại Liên hợp quốc, ông cho biết mình đang lên tiếng thay cho cho người dân Myanmar và chính phủ mà họ đã bầu vào năm ngoái.

Đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun.

Vài tuần sau khi quân đội Myanmar giành quyền kiểm soát, Kyaw Moe Tun đưa ra tuyên bố bất ngờ phản đối quân đội, làm động tác chào bằng ba ngón tay của những người biểu tình trước Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ở New York. Ông kêu gọi các thành viên LHQ "sử dụng bất kỳ phương tiện nào cần thiết” để khôi phục nền dân chủ ở Myanmar.

Chính quyền quân sự đã sa thải ông, nhưng ông từ chối rời chức vụ ở LHQ.

Theo Đại sứ Myanmar, ông hiện không thể liên lạc với các nhà lãnh đạo bị giam giữ của chính phủ dân sự nhưng sẽ quyết tâm giữ sự chú ý ở Myanmar.

Ông cũng không liên lạc được với cha mẹ già, vẫn sống ở Myanmar, kể từ bài phát biểu ngày 26/2. Nhưng Kyaw Moe Tun nói rằng nhờ các kênh khác, ông biết rằng họ đang cổ vũ cho ông.

Trả lời CNN, Đại sứ Myanmar cho rằng đang có ba "trụ cột" chống lại cuộc đảo chính quân sự và chống lại chế độ quân sự, bao gồm những người biểu tình, CDM - phong trào bất tuân dân sự, và CRPH (một ủy ban của quốc hội lưu vong) cũng đang hoạt động. Ông muốn giúp ba trụ cột đó ngày càng mạnh.

Ông Kyaw Moe Tun tự nhận định việc mình làm là “một quyết định rất hiếm” đối với sự nghiệp của một nhà ngoại giao. “Tất nhiên đó cũng là một quyết định khó khăn”, ông nói.

Được hỏi rằng liệu “bất cứ phương tiện nào cần thiết” mà ông kêu gọi có thể là can thiệp quân sự, ông nhận định đây là một khả năng khó. “Để một nước gửi quân đội đến một nước khác không đơn giản như vậy”. Nhưng ông cho biết mình đã lên tiếng vì người dân Myanmar cần sự bảo vệ của cộng đồng quốc tế, bằng bất cứ cách nào họ có thể giúp.

Về Trung Quốc, ông nói: “Họ đã nói rằng sẽ tập trung hơn vào đối thoại. Nhưng sao chúng ta có thể đối thoại nếu các lãnh đạo của chúng tôi đang bị bắt giam? Khi chúng ta đối thoại thì nên có một sân chơi cân bằng”.

Ông nhấn mạnh là sẽ “chiến đấu lâu nhất có thể, cho đến khi kết thúc đảo chính”.

Quân đội Myanmar giành chính quyền ngày 1/2 và bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các nhân vật cấp cao khác của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, (NLD). Quân đội cho rằng cuộc bầu cử dẫn đến chiến thắng của đảng này đã bị gian lận. 

Sau sự vụ, nhiều cuộc biểu tình khắp Myanmar nổ ra và xảy ra đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh, khiến hơn 50 người thiệt mạng. Quân đội Myanmar khẳng định họ phản ứng với người biểu tình đúng luật.

Phương Anh

Tin mới