Hôm 9/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chưa thống nhất được tuyên bố chung để lên án cuộc đảo chính ở Myanmar, tiếp tục kêu gọi quân đội kiềm chế và dọa xem xét "các biện pháp tiếp theo".
Reuters đưa tin, một số nước đã yêu cầu sửa đổi văn bản vào cuối hôm 9/3 đối với dự thảo do Anh đề xuất, trong đó loại bỏ các nội dung nhắc tới đảo chính và đe dọa sẽ có hành động tiếp theo. Trong số các nước yêu cầu sửa văn bản có Nga và Trung Quốc - 2 trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tuyên bố chung về Myanmar. (Ảnh: Reuters)
Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên (5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực), cho biết sẽ tiếp tục thảo luận để thống nhất tuyên bố chung. Những tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an cần được sự nhất trí từ 15 nước thành viên.
“Mỗi quốc gia thành viên đều có vai trò cá nhân và tập thể. Nhìn chung, chúng tôi luôn tìm kiếm một tiếng nói và hành động mạnh mẽ từ Hội đồng Bảo an”, phát ngôn viên của Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết hôm 9/3.
Reuters cho biết, dự thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an có nội dung kêu gọi "quân đội kiềm chế tối đa, nhấn mạnh rằng Hội đồng Bảo an đang theo dõi chặt chẽ tình hình và tuyên bố sẵn sàng xem xét các biện pháp tiếp theo".
Bên cạnh đó, dự thảo tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an cũng lên án mạnh mẽ "việc sử dụng bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa", đồng thời bày tỏ "quan ngại sâu sắc về những vi phạm nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, bao gồm các hạn chế đối với nhân viên y tế, xã hội dân sự, nhà báo và giới truyền thông; kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị giam giữ".
Hội đồng Bảo an tiến hành họp kín vào hôm 5/3 để thảo luận đề xuất của Anh trong việc đưa ra tuyên bố chung về tình hình Myanmar.
Tháng trước, Hội đồng Bảo an cũng đưa ra một tuyên bố, bày tỏ quan ngại về tình trạng ở Myanmar, kêu gọi trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ. Tuy nhiên, tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an không lên án cuộc đảo chính do sự phản đối của Nga và Trung Quốc.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp bàn về tình hình Myanmar trong bối cảnh bất ổn tiếp diễn ở quốc gia Đông Nam Á này. Biểu tình lan rộng và tiếp diễn nhiều ngày từ sau đảo chính hôm 1/2. Đến nay, hơn 60 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình ở Myanmar.