Tỷ phú Anh Richard Branson từng nói: “Nếu bạn muốn thành triệu phú, hãy bắt đầu với một tỷ USD và mở hãng hàng không mới”.
Branson là nhà sáng lập Virgin Group. Ông đã tiêu tốn 200 triệu bảng (250 triệu USD) tiền túi để giải cứu hãng bay Virgin Atlantic Airways cách đây vài tháng. Lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại đã khiến ngành hàng không toàn cầu khốn đốn.
Hàng chục hãng phải xếp xó máy bay và cho nhân viên nghỉ không lương. Rất nhiều mảng kinh doanh của Virgin Group chịu ảnh hưởng nặng vì đại dịch, gồm hàng không, giải trí, khách sạn và du thuyền.
Tỷ phú sáng lập Virgin Group Richard Branson. (Ảnh:Bloomberg)
Branson vẫn còn là tỷ phú, với khối tài sản được Forbes ước tính 4,9 tỷ USD hiện tại. Tuy nhiên, số tiền ông phải bỏ ra cứu hãng bay là ví dụ rõ ràng nhất cho khả năng "đốt tiền" của ngành này.
Đầu tháng 5, tỷ phú đầu tư Warren Buffett cũng bán hàng loạt cổ phiếu tại 4 hãng hàng không lớn của Mỹ, gồm American Airlines, Delta Airlines, Southwest và United Airlines Ông thừa nhận các khoản đầu tư này đang khiến công ty Berkshire Hathaway của mình thua lỗ. Đây là lần thứ hai tỷ phú mất tiền vì ngành này.
Dĩ nhiên, hàng không từ lâu vẫn là ngành có sức hấp dẫn khó cưỡng với các tài phiệt. Tony Fernandes của AirAsia Group và David Neeleman – nhà sáng lập JetBlue Airways là hai trong những doanh nhân gây dựng được khối tài sản lớn nhờ hàng không. Tuy nhiên, Covid-19 ập đến càng giáng đòn mạnh vào lĩnh vực vốn đã có nhiều biến động, biên lợi nhuận nhỏ nhưng lại cần khoản đầu tư khổng lồ.
Theo Bloomberg Billionaires Index, vốn hóa của 10 hãng hàng không niêm yết lớn, gắn với tên tuổi của các doanh nhân nổi tiếng, đã giảm tổng cộng 14 tỷ USD từ đầu năm. Việc này khiến hàng loạt tài phiệt trở thành nạn nhân.
Hãng bay lớn nhất Mỹ Latin - Latam Airlines Group đã phải xin bảo hộ phá sản ở New York. Gia tộc Cueto (Chile) là một trong các cổ đông của hãng này. Hồi tháng 3, Neelaman cũng phải bán 80% cổ phiếu ưu đãi trong hãng bay Azul (Brazil) để nộp ký quỹ cho một khoản vay cá nhân trị giá 30 triệu USD.
Nhiều hãng hàng không khác thì bộc lộ vấn đề về cấu trúc, hoặc lục đục nội bộ vì đại dịch. Norwegian Air Shuttle tháng trước phải tái cấu trúc nợ để tránh phá sản. Đồng sáng lập của hãng là Bjorn Kos – một cựu phi công máy bay chiến đấu muốn thách thức các đại gia hàng không như British Airways trên các tuyến bay xuyên Đại Tây Dương.
Hãng bay giá rẻ EasyJet thì gần đây mới thoát viễn cảnh phải xếp xó gần như toàn bộ phi cơ. Tuy nhiên, nhà sáng lập kiêm cổ đông lớn nhất của họ - Stelios Haji-Ioannou đã thất bại trong việc hất cẳng ban lãnh đạo khỏi công ty và chặn thương vụ mua thêm máy bay của Airbus mà ông cho rằng họ không cần và cũng không đủ khả năng chi trả.
Dĩ nhiên, ngành hàng không có thể phục hồi đủ nhanh để bù đắp lại các thiệt hại này. Có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu du lịch đã bắt đầu tăng trở lại, làm dấy lên kỳ vọng sức ép lên các hãng bay đang gặp khó sẽ được xoa dịu phần nào.
Dù vậy, quá trình bình thường hóa sẽ mất nhiều thời gian. Delta Air Lines đã hủy bỏ việc khôi phục một số dịch vụ khi số ca nhiễm mới tại Mỹ tăng cao trở lại. Còn với Virgin Atlantic, kể cả khi đã tái cấu trúc, hãng dự báo năm 2022 mới có lợi nhuận trở lại.