Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyên gia: Hàng không như cây thiếu nước nhưng bộ rễ vẫn còn tốt

(VTC News) -

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành hàng không giống như 'bộ rễ tốt nhưng đang thiếu nước', cần có các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để phục hồi.

Ngành hàng không đã nỗ lực để vượt bão

Hàng không Việt Nam vừa trải qua thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử do dịch COVID-19. Tuy nhiên, những tháng gần đây, hàng không Việt Nam cũng đánh dấu những nỗ lực vượt bão và bật dậy ngoạn mục sau những tổn thất nghiêm trọng chưa từng có.

Để thực sự hồi phục sau dịch COVID-19, ngành hàng không vẫn rất cần các chính sách hỗ trợ của Chính Phủ.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các đia phương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá chương trình kích cầu nội địa của ngành hàng không và du lịch khá thành công. Thậm chí, có hãng hàng không tăng doanh thu 1.000 tỷ đồng.

Đánh giá việc phục hồi các đường bay nội địa là tín hiệu tích cực cho ngành hàng không, Cục Hàng không cũng xem việc phục hồi các đường bay nội địa là tín hiệu tích cực.

Theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, do còn hạn chế khách quốc tế vào Việt Nam nên tổng thị trường chưa đạt đến 50% lượng khách so với trước khi có dịch. Lâu nay, thị trường quốc tế vẫn chiếm khoảng 1/2 trong tổng thị trường hàng không Việt Nam.

Theo tính toán của Cục Hàng không, tháng 7 sẽ là dịp cao điểm của hàng không nội địa và là cơ hội để duy trì ổn định của ngành hàng không, sẵn sàng mở cửa đón khách quốc tế khi dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát.

Nhìn nhận về thách thức và cơ hội của các hãng hàng không trong đại dịch COVID-19 vừa qua, chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch cho biết, những thành tựu hiện nay cho thấy ngành hàng không đã nỗ lực rất lớn để vượt bão.

Kích cầu nhưng không thể giảm giá vé bằng mọi giá

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo những khó khăn mà ngành đang đối diện. Theo ông Lịch, những khó khăn này giống như cái cây thiếu nước nhưng bộ rễ vẫn tốt.

“Chỉ cần có cơn mưa là có thể đâm chồi nảy lộc, cơn mưa đầu tiên chính là thúc đẩy hàng không nội địa", TS Trần Du Lịch bày tỏ, tiếp đến là chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho ngành hàng không.

Chuyên gia cũng hiến kế nhằm giúp hàng không  - du lịch kết hợp, khai thác hiệu quả thị trường nội địa. Theo đó, doanh nghiệp hàng không và các địa phương, cơ sở lưu trú, du lịch cần kết hợp với nhau, tạo đà phát triển, giúp ngành hàng không từng bước trỗi dậy sau “kỳ ngủ đông” dài chưa từng có trong lịch sử.

Gói hỗ trợ ưu đãi về lãi suất là điều các hãng hàng không đang chờ đợi.

Nhìn nhận chính sách giảm giá vé của ngành hàng không sẽ giúp phát triển du lịch nội địa, theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các hãng hàng không cần tập trung vào việc tạo ra mức giá bậc thang. Cụ thể, mức giá thấp ưu tiên cho một số đối tượng như trẻ em.

Theo ông Nghĩa, khi dịch bệnh được kiểm soát cùng với giá vé hợp lý, các gia đình sẽ cho con em đi du lịch.

"Chính phủ cần có chính sách kích cầu cho ngành hàng không, du lịch trên cơ sở kinh nghiệm một số nước, như Nhật Bản, Malaysia, họ tài trợ trực tiếp cho người đi du lịch hoặc khách của các hãng hàng không nội địa. Đây có thể xem là chính sách thích hợp vào thời điểm này, đặc biệt khi chúng ta đang chuẩn bị các gói kích thích kinh tế, kích cầu nội địa", ông Lê Xuân Nghĩa cho biết.

Về định hướng lâu dài, TS Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận, hàng không là lĩnh vực khai thác nguồn lực quốc gia rất lớn, ngoài sân bay, nhà ga, còn có rất nhiều hạ tầng kỹ thuật liên quan như đường sá nối đến sân bay, hệ thống quản lý bầu trời...

Do vậy, không thể giảm giá vé bằng mọi giá, không thể giảm giá vé kích cầu thu hút khách hoặc như thể hủy diệt lẫn nhau, dẫn đến thất thoát nguồn lực.

Đồng thời, cần tạo thuận lợi tối đa để các hãng hàng không được tiếp cận thị trường cũng như các điều kiện cần thiết cho hoạt động khai thác.

Cần gói hỗ trợ lãi suất cho hàng không

Phân tích về những khó khăn hiện nay của ngành hàng không, TS Trần Du Lịch cho rằng, cần có gói hỗ trợ lãi suất dành cho các hãng hàng không.

Điều này nằm trong chủ trương của Chính phủ về việc cần có các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn gặp khó khăn do COVID-19.

Theo chuyên gia kinh tế này, việc triển khai hỗ trợ lãi suất cho các hãng hàng không rất quan trọng. Điều này xuất phát từ việc các doanh nghiệp hàng không đều là những doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động, đóng góp nhiều cho ngân sách, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Hoạt động của các hãng hàng không kéo theo rất nhiều các doanh nghiệp khác tham gia chuỗi cung ứng. Vì thế, việc họ được hỗ trợ, phát triển cũng sẽ tác động tích cực đối với các doanh nghiệp khác trong chuỗi liên kết.

Giải pháp cứu doanh nghiệp hàng không bằng việc kéo dài giãn hoãn thời gian nộp thuế phí cũng được ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Theo ông Lịch, điều này có ý nghĩa giống như “Nhà nước cho vay tiền mà không lấy lãi”, “rất có ý nghĩa đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay”.

Cũng theo ông Lịch, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục xem xét việc cơ cấu lại các khoản nợ, thời gian hoãn nợ.

Tín dụng hiện nay không thiếu, vấn đề là các gói tín dụng cần được sắp xếp, cơ cấu lại để có cơ chế ưu đãi hơn đối với những lĩnh vực có yếu tố quyết định”, ông Lịch nói và nhấn mạnh thêm, việc hỗ trợ đối với các doanh nghiệp hàng không cần có sự công bằng nhưng không cào bằng.

Đánh giá cao nỗ lực vượt khó của ngành hàng không, theo ông Trần Du Lịch, tất cả các hãng hàng không Việt Nam bám trụ được đến thời điểm này đều là một thành công lớn.

“Vietnam Airlines, Vietjet hay hãng mới Bamboo đều đáng ghi nhận về tinh thần vượt bão COVID-19. Nhưng Nhà nước vẫn cần có các chính sách “tiếp sức” để giúp doanh nghiệp sớm phục hồi. Việc hỗ trợ này cần công bằng, minh bạch và không phân biệt”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Đào Bích

Tin mới