Theo số liệu được Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cung cấp, hải quân nước này thực hiện 9 đợt hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông, con số kỷ lục kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông từ năm 2014.
Số lượng đợt tuần tra của hải quân Mỹ vào năm 2018 là 5, 2017- năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump là 6, 2016 là 3, 2015 là 2. Hải quân Mỹ không điều tàu tuần tra Biển Đông năm 2014.
Hải quân Mỹ tuần tra Biển Đông kỷ lục năm 2019. (Ảnh: US Navy)
Hồi cuối tháng trước, Mỹ điều tàu chiến duyên hải USS Montgomery tới gần các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong hoạt động tự do hàng hải đầu tiên trong năm 2020 tại Biển Đông.
Các thông số này là xác nhận đầu tiên của hải quân Mỹ về tần suất thực hiện các hoạt động tự do hàng hải của Washington ở Biển Đông trong 5 năm qua.
"Mỹ coi việc duy trì tự do hàng hải như một nguyên tắc. Các nhiệm vụ của chương trình tự do hàng hải được thực hiện một cách hòa bình và không thiên vị hay chống lại bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Các nhiệm vụ này dựa trên luật pháp và thể hiện cam kết của Mỹ về việc duy trì các quyền tự do, sử dụng hợp pháp trên biển và không phận quốc tế được đảm bảo đối với tất cả các quốc gia", phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr cho hay.
Trong khi đó ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho rằng các hoạt động tuần tra của Mỹ giúp nhấn mạnh luật pháp quốc tế, ngăn chặn các hành động bành trướng lãnh thổ phi pháp của Bắc Kinh cũng như thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực.
"Rõ ràng dưới thời chính quyền Trump, chúng ta thấy một động lực cụ thể hơn về các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông với sự gia tăng tần suất kể từ năm 2015 và sau khi ông Trump nhậm chức", ông này cho hay.