Hứng chịu hàng trăm tấn bom đạn của Mỹ
Cồn Cỏ là một hòn đảo thuộc tỉnh Quảng Trị, cách cảng Cửa Việt (Huyện Gio Linh) khoảng 15 hải lý, tổng diện tích tự nhiên là 230 ha với dân số khoảng 400 người.
Với vị trí đặc biệt quan trọng, là điểm phân chia 2 khu vực phía Bắc và phía Nam của Vịnh Bắc Bộ, Cồn Cỏ là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, là nơi gắn liền với những trận chiến đấu ác liệt để bảo vệ biển đảo, thể hiện truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, do là mục tiêu đánh phá của địch nên Cồn Cỏ phải hứng chịu hàng trăm tấn bom đạn.
Từ tháng 8/1964, Mỹ bắt đầu có những cuộc đánh phá mang tính thăm dò vào đảo Cồn Cỏ. Sau đó, mùa Xuân năm 1965, cùng với việc đánh phá Vĩnh Linh và miền Bắc, Mỹ tập trung một lượng lớn máy bay, tàu chiến ngày đêm bắn phá hòng chiếm đảo Cồn Cỏ.
Cuối tháng 4/1965, tình hình trở nên nguy cấp khi Mỹ liên tục bắn phá khiến bộ đội chiến đấu bảo vệ đảo thiếu vũ khí, lương thực, thuốc men.
Trước tình hình đó, Đảng kêu gọi “Còn đất liền là còn đảo – Tất cả vì đảo” nhằm huy động sức người, sức của chi viện cho Cồn Cỏ. Những năm 1965 – 1967 con đường tiếp viện ra đảo Cồn Cỏ thực sự trở thành “Con đường máu trên biển” khi cứ 10 người lên thuyền làm nhiệm vụ tiếp tế thì có đến 5 – 6 người mất tích, hy sinh.
Bảo vệ đảo Cồn Cỏ là nhiệm vụ chính trị, quân sự quan trọng. Theo một cựu chiến binh từng chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ: “Nếu như nói Vĩnh Linh là tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thì đảo Cồn Cỏ là vị trí tiền tiêu. Đây là điểm đối đầu giữa lực lượng 2 miền Nam - Bắc.
Nếu để Cồn Cỏ rơi vào tay địch, chúng sẽ xây dựng căn cứ quân sự, cản trở giao thông tiếp tế từ Bắc vào Nam và làm bàn đạp đánh phá ra miền Bắc. Bảo vệ đảo Cồn Cỏ, không để đảo rơi vào tay địch là nhiệm vụ hết sức cấp thiết và vô cùng quan trọng”.
Hòa bình lập lại, Cồn Cỏ phát triển không ngừng và trở thành "Hòn ngọc xanh" giữa vùng biển Quảng Trị.
Theo thống kê, từ năm 1964 đến 1968, máy bay Mỹ ném xuống Cồn Cỏ trên 13.000 quả bom các loại, hàng vạn quả rốc-két; 172 lần tàu chiến pháo kích trên 4.000 quả đạn pháo lên đảo. Bình quân mỗi héc ta đất trên đảo chịu tới 22,6 tấn bom đạn.
Những tiềm năng du lịch chờ khai phá
Sau chiến tranh, đảo Cồn Cỏ hồi phục một cách thần kỳ. Với vị trí quan trọng, huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập. Hàng loạt công trình điện, đường, trường, trạm được xây dựng và hàng trăm người dân, lực lượng vũ trang được vận động ra đảo sinh sống, vừa xây dựng vừa bảo vệ đảo.
Nói về đảo Cồn Cỏ hôm nay, người ta ví đó như một “hòn ngọc xanh” nổi lên giữa vùng Biển Đông với rất nhiều tiềm năng chờ được khai phá phục vụ việc phát triển du lịch, mang lại nguồn thu cho đảo nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.
Tuy là một đảo có diện tích nhỏ, nhưng Cồn Cỏ có nhiều giá trị về địa chất, tài nguyên, nguồn lợi sinh vật biển. Sinh thái cảnh quan như một bảo tàng tự nhiên với các thềm đá Bazan kỳ vĩ, bãi tắm nhỏ được tạo bởi vụn san hô, sò điệp, nước biển trong, nhiệt độ nước biển ổn định.
Đảo Cồn Cỏ sở hữu thảm thực vật phong phú.
Bên cạnh đó, Cồn Cỏ có một hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng của đảo núi lửa, rừng trên thềm san hô quý hiếm ở Việt Nam.
Đến Cồn Cỏ, du khách không chỉ được đắm mình trong không gian biển cả, bốn bề là sóng nước đại dương xanh trong, sâu thẳm mà còn được trải nghiệm các hoạt động đánh bắt hải sản như cua đá Cồn Cỏ, ốc biển, cá mú, mực ống..., hay lặn biển khám phá đại dương.
Với những cảnh đẹp hoang sơ, từ lâu, đảo Cồn Cỏ là điểm đến hấp dẫn trong mắt các phượt thủ. Theo kinh nghiệm của dân phượt, do Cồn Cỏ là huyện đảo nằm cách xa đất liền, vào mùa mưa bão thường bị chia cắt hoàn toàn, nên cần hết sức lưu ý thời gian di chuyển ra Cồn Cỏ.
Thời gian đến đảo Cồn Cỏ thích hợp nhất là mùa hè, trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 8, trong đó, ba tháng 5-6-7 là thời điểm thời tiết sóng lặng biển êm, nắng nóng, phù hợp với hình thức du lịch biển.
Từ tháng 9 đến tháng 11 là mùa bão thường gây ảnh hưởng đến vùng biển Quảng Trị, trong đó có Cồn Cỏ. Để chuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ được thuận lợi, cần theo dõi trước thời tiết, bởi, nếu không may gặp bão, du khách có thể sẽ mắc kẹt dài ngày trên đảo. Du khách cũng cần có khoản tiền dự phòng để dùng trong những trường hợp phải ở lại đảo.
Đánh thức "hòn ngọc xanh"
Trước đây, dân đi phượt muốn ra đảo Cồn Cỏ thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm phương tiện, bởi lẽ, không có bất cứ chuyến tàu thương mại nào phục vụ chở khách du lịch. Thông thường, những phượt thủ đi lẻ thường ra đảo bằng việc đi nhờ tàu thuyền của các ngư dân.
Trong trường hợp du khách đi theo đoàn thì phải thuê tàu với giá từ 3 đến 6 triệu đồng/chuyến khứ hồi tùy vào số lượng người. Phượt thủ cũng có thể chọn cách xin đi nhờ tàu chở các đoàn cán bộ, bộ đội hải quân... ra đảo công tác để tiết kiệm chi phí, nhưng cách này thường khó thực hiện hơn.
Quả của cây bàng vuông - Một loại cây mang tính đặc trưng của đảo Cồn Cỏ.
Có thể nói, việc không có tàu thương mại ra đảo là cản trở lớn nhất đối với du khách muốn ra Cồn Cỏ tham quan, du lịch.
Nắm bắt được vấn đề này, tháng 8/2018, UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý về mặt chủ trương việc hình thành chuyến tàu cao tốc từ cảng Cửa Việt ra Cồn Cỏ với tên gọi “Tàu Cồn Cỏ Tourist” và đưa vào phục vụ khách du lịch từ giữa tháng 4/2019.
Đây là tàu vận chuyển hành khách cao tốc được trang bị các thiết bị hàng hải tiên tiến, có khả năng đi biển trong điều kiện sóng cấp 5. Vận tốc lớn nhất của tàu đạt 24 hải lí/giờ, sức chứa 80 hành khách, tổng mức đầu tư trên 24 tỷ đồng.
Đến tháng 5/2019, do nhu cầu tham quan khu sinh thái đảo Cồn Cỏ tăng cao vào dịp hè, tàu Cồn Cỏ Tourist được tăng chuyến, đáp ứng lượng khách đến đảo.
Cụ thể, từ 6/5/2019, lịch trình của tàu ra đảo vào sáng thứ 2, 4, 6, 7 và trở về đất liền vào thứ 3, 5, 7, Chủ nhật hàng tuần. Với lịch trình mới này, du khách sẽ chủ động hơn trong việc lựa chọn thời điểm tham quan, du lịch tại đảo Cồn Cỏ.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Trị cũng tăng cường quảng bá du lịch cho huyện đảo Cồn Cỏ và kêu gọi các nhà đầu tư, các công ty lữ hành tìm cách phát triển du lịch cho hòn đảo được mệnh danh là “Hòn ngọc xanh”.
UBND tỉnh Quảng Trị kỳ vọng, tam giác du lịch biển đảo Cửa Việt - Cồn Cỏ - Cửa Tùng sẽ trở thành một trong những khu vực trọng điểm về du lịch biển của cả nước. Điều đáng chú ý là, tam giác du lịch này ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn.
Lượng khách du lịch tìm đến Cồn Cỏ ngày một đông nhờ nhiều chính sách phát triển của UBND tỉnh Quảng Trị.
Tập đoàn FLC đầu tư dự án quần thể khu đô thị nghỉ dưỡng khoảng 700ha ở Gio Linh. Tập đoàn Pacific Healthcare đầu tư khu phức hợp nghỉ dưỡng biển Mũi Trèo quy mô gần 200ha. Tập đoàn Châu Á Thái Bình Dương (APEC) đang làm việc xin quỹ đất ở khu vực Cửa Tùng và đặc biệt, khởi động sớm nhất là Tập đoàn AE đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái biển AE Cửa Tùng Resort, có diện tích trên 36ha, thực hiện từ năm 2018 - 2021.
Dự án AE Cửa Tùng Resort nằm ở khu vực ven biển phía Đông Bắc và ôm trọn vịnh biển đẹp nhất Cửa Tùng, với chiều dài mặt biển lên đến hơn 1,2km. Dự án có các hạng mục như: Khu biệt thự sinh thái và nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao, khách sạn tiêu chuẩn 4 sao kết hợp trung tâm hội nghị, khu vui chơi giải trí, các dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu tắm biển của du khách…Đây được coi là cú hích đầu tiên của bất động sản nghỉ dưỡng ven biển Quảng Trị.
Theo đại diện chủ đầu tư Tập đoàn AE, dự án này được giới thiệu ra thị trường vào tháng 6/2019 và sẽ triển khai rất nhanh các hạng mục công trình, hoàn thành theo từng giai đoạn, dự kiến năm 2020 - 2021 đi vào khai thác. Hiện nay, dự án đã cơ bản hoàn thành san lấp mặt bằng và chuẩn bị xây dựng các tiện ích theo tiến độ.