Cứ mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, người dân tại làng Phú Thượng lại tất bật nấu và ủ cơm rượu nếp, bởi theo quan niệm dân gian, đây là món ăn không thể thiếu trong ngày này nên được rất nhiều người dân tìm mua.
Từ lâu, làng Phú Thượng đã nổi tiếng khắp Hà Nội với đặc sản xôi cùng món rượu nếp thơm dẻo, không đâu sánh bằng. Vì thế, rượu nếp Phú Thượng luôn đắt hàng, được khách rất ưa chuộng.
Cô Thủy (43 tuổi) người đã có kinh nghiệm 13 năm làm rượu nếp cho biết, nguyên liệu để nấu rượu nếp rất cầu kỳ, hạt gạo phải to và đẹp. Đối với cơm rượu nếp trắng, người nấu phải ngâm, còn cơm rượu nếp cẩm không phải ngâm. Cơm gạo nếp sau khi được ngâm và vo sạch, đun cạn nước, đây cũng là công đoạn khó nhất, không cẩn thận cơm sẽ dễ cháy, khê. Vừa đun vừa ủ phải mất 1 tiếng rồi đem đi đồ, phải rất cẩn thận nếu không ở trên sẽ sống, dưới bị nát. "Đồ cơm rượu nếp giống như đồ xôi nhưng khó hơn đồ xôi nhiều”, cô Thủy chia sẻ bí quyết gia truyền.
Men rượu để ủ cơm rượu nếp được chọn mua cẩn thận. Trước khi ủ xôi, men rượu được giã nhuyễn.
Những chiếc rổ được bọc kĩ bằng ni long hoặc lá sen để ủ cơm rượu nếp.
Cơm rượu nếp sau khi để nguội sẽ được rây men và ủ, trộn đều. Với thời tiết nắng nóng, chỉ cần 1 đến 2 ngày là đã ủ được một mẻ cơm rượu nếp.
Rượu nếp khi có mùi thơm, lấy tay kiểm tra thấy cơm mềm, ướt, có nước chảy xuống, cơm nhừ là mẻ đó đạt.
Cô Thuỷ cho biết: "Năm nay lượng khách đặt hàng trước rất nhiều, nhà tôi phải nấu khoảng 3 tạ cơm, nhiều hơn mọi năm, do đó phải huy động cả gia đình làm hàng và làm hết công suất cả ngày. Với những gia đình có nhân sự ít thì còn phải làm đến đêm muộn, thậm chí xuyên đêm mới kịp trả hàng khách".
“Làm rượu nếp thường theo thời vụ, nhà tôi chỉ làm vào dịp Tết Đoan Ngọ, hoặc cận tết âm lịch. Năm nay giá cơm rượu nếp tăng hơn so với mọi năm, khoảng 70.000/kg, đối với cơm rượu nếp được đóng trong hộp, cốc sẽ có giá 25.000 đồng/hộp” cô Thủy nói thêm.
Những rổ cơm nếp đã được ủ men, sẵn sàng cung ứng cho khách hàng trong ngày Tết Đoan Ngọ 2023.