Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giáo viên giảng dạy trực tuyến thế nào mùa dịch Covid-19?

(VTC News) -

Các giáo viên ở các trường học ở Hà Nội đang phải thích nghi dần với phương pháp giảng dạy trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 14/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo việc học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập, xử lý phù hợp kiến nghị của các trường ngoài công lập theo quy định.

Ngày 23/3, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các trường đại học, học viện, cao đẳng sư phạm về bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.

Một số địa phương như TP.HCM, các em học sinh lớp 9 và lớp 12 sẽ học kiến thức mới của học kỳ 2 năm học 2019-2020 qua truyền hình. 

Tại buổi họp ngày 24/3 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, với phương châm “học sinh không đến trường nhưng việc học không gián đoạn”, thời gian qua ngành Giáo dục đã tích cực triển khai việc dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình cho cấp học phổ thông và đại học.

Một số trường tiểu học tại Hà Nội đã triển khai hình thức học trực tuyến khá bài bản, tuy còn nhiều bỡ ngỡ nhưng được học sinh rất hào hứng và vui vẻ tiếp thu kiến thức.   

Các giáo viên soạn bài giảng online.

Trường Tiểu học Vietschool (Thanh Xuân, Hà Nội) có trên 75% học sinh tham gia học trực tuyến và con số này ngày càng gia tăng.

Cô Bảo Phương - giáo viên chủ nhiệm lớp 1V6M (Tiểu học Vietschool) cho biết “Hiện nay, các lớp học được tổ chức 3 ca từ thứ 2 đến thứ 6, mỗi ca học kéo dài 40 phút. Ngoài các môn học chính như Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh sẽ học trực tuyến với giáo viên với việc chấm chữa bài trực tiếp, các môn học sáng tạo như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, STEAM, Văn hóa Việt, Vietskill…cũng được các thầy cô thiết kế bài giảng sinh động kết hợp với các trò chơi để thu hút các em.” 

Thầy Đào Văn Việt – Giáo viên Âm nhạc lại chia sẻ “Học trực tuyến hàng ngày là biện pháp hỗ trợ cần thiết cho học sinh trong thời gian này. Chúng tôi cố gắng thiết kế các bài giảng nhiều hiệu ứng, lồng ghép các trò chơi để tạo cảm hứng học tập cho các em. Học sinh đều học rất tập trung và thích thú.”

Mặc dù đây là phương pháp học mới nhưng được phụ huynh và học sinh đón nhận và thay đổi hình thức học tập kịp thời.

Chị Nguyễn Thanh Cảnh (Thanh Xuân, Hà Nội) đang có con học tập theo hình thức trực tuyến được 1 tháng nay với các thầy cô tại trường.

Chị cho biết “Lớp học của con tôi có khoảng 20 học sinh học qua phần mềm Zoom, mỗi ca học kéo dài 40 phút. Tuy đây là hình thức học mới nhưng các thầy cô hướng dẫn các em học khá hiệu quả, khi nào cô giảng bài thì các con trật tự lắng nghe, không có bạn nào làm gián đoạn lớp học. Theo tôi, đây là hình thức học hiệu quả trong thời gian nghỉ dài này".

 

Em Hà My (học sinh trường Tiểu học Vietschool) chia sẻ: “Những buổi học đầu tiên con chưa quen lắm với cách học này, nhưng sau vài buổi học, khi đã quen hơn, con chủ động ngồi một mình, ghi chép những lời cô giảng và làm bài tập để bố mẹ gửi lại cho cô chấm và chữa ngay trong buổi học hôm sau.

Ngoài ra, các thầy cô còn hỏi thăm tình hình học tập và sinh hoạt tại nhà, nhắc nhở con ý thức bảo vệ bản thân và gia đình trong thời gian dịch bệnh. Con cảm thấy hình thức học trực tuyến này rất là hay.”

Ngoài việc học online, các hình thức thi thử trực tuyến cũng đang được triển khai mạnh mẽ tại các trường. 

Đại diện nhà trường cho biết vẫn chi trả đầy đủ 100% tiền lương của giáo viên trong 3 tháng nghỉ dịch và động viên các thầy cô tiếp tục giảng dạy học trò qua các lớp học trực tuyến. Với phụ huynh đã có con học tập tại trường, nhà trường cam kết không thu phí ôn tập trực tuyến đến hết tháng 4/2020.

Cũng chia sẻ về việc học trực tuyến, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, do không có quy định bắt buộc, nên việc học online chưa có sự đồng bộ ở tất cả học sinh.

“Nhiều gia đình có chủ trương cho con về quê tránh dịch, cũng có những gia đình không tin tưởng giao máy tính cho con, lại có nhiều học sinh không muốn học mà nhà trường chưa thể kiểm soát hết”, thầy Bình nói.

Theo thầy Bình, để học trực tuyến đạt hiệu quả, quan trọng nhất là học sinh phải có ý thức học tập, văn hóa sử dụng mạng xã hội. Nhưng nhiều em vẫn lên mạng a dua, có những em học theo trào lưu. Để hiệu quả, hơn hết vai trò tự học là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, thầy cô cũng cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bởi bài giảng trực tuyến trên mạng khác hoàn toàn với những bài giảng trực tiếp. Ngoài ra, từng trường cũng cần xây dựng hệ thống bài học, kiến thức, đảm bảo theo đúng yêu cầu trong quá trình dạy và học. Có những trường hiện nay còn để thả cho giáo viên tự dạy, có trường giao cho từng cá nhân, thì chưa thể hiệu quả.

Theo dõi các trang học trực tuyến mùa dịch dành cho học sinh, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng, vẫn có hiện tượng học sinh học trực tuyến nói bậy, “tán phét” khi học. Nếu không có sự giám sát của bố mẹ, nhiều học sinh chưa thực sự tự giác, vẫn học theo kiểu đối phó.

Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng cho rằng, các bậc phụ huynh cần đồng hành, hỗ trợ con học tập trong mùa dịch Covid-19. Hơn hết, các trường cũng cần có quy định, kiểm tra, đánh giá kết quả học online để mỗi học sinh có ý thức học hơn.

Nhà giáo ưu tú Lê Tiến Thành, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục của Thực nghiệm Victory cũng cho rằng, để học online hiệu quả, đòi hỏi học sinh phải có ý thức tự học và chủ động. Sự tự giác này không bắt nguồn từ nỗi sợ bị rầy la hay áp lực điểm số, mà cần được hình thành từ hứng thú với bài giảng và ham muốn khám phá kiến thức.

Kỹ năng tự học là khả năng dư duy độc lập, tích cực để thu thập, chọn lọc, phân tích, phản biện và từ đó hình thành kiến thức mới. Để hình thành cho học sinh kỹ năng tự học, thầy Thành cho rằng, cần có sự phối hợp tích cực giữa nhà trường và phụ huynh.

“Muốn học sinh hình thành năng lực tự học, nhà trường và giáo viên phải tạo ra môi trường tự do và trao cho học sinh đủ công cụ, kiến thức, kỹ năng để người học tự tìm tòi và xây dựng kiến thức thông qua “kinh nghiệm”, “tư duy”, “trải nghiệm” của chính bản thân, chứ không phải bằng cách ghi nhớ các luận điểm lý thuyết suông.

Bởi vậy, các trường cần cổ vũ việc thảo luận, tranh biện, tương tác hai chiều giữa thầy và trò. Các bài tập hướng tới việc viết luận, suy diễn và hoàn thành các nhiệm vụ, dự án thực tế hơn là việc giải các bài tập hay kiểm tra bằng các bài thi. Đây được gọi là phương pháp giáo dục thực nghiệm – học qua thực hành, trưởng thành qua trải nghiệm”, thầy Lê Tiến Thành cho biết.

Video: Bí quyết học online hiệu quả trong mùa dịch

Thiếu Huyền

Tin mới