Họ là điển hình cho thực trạng của ngành du lịch sau đại dịch COVID-19.
Những dẫn chứng buồn, buồn và buồn
Đầu bếp Lương Trường Vũ (quận 3) mất việc bếp trưởng tại một khách sạn lớn ở TP.HCM. Mức lương 20 triệu đồng/tháng không còn. Sau dịch, ông đứng chế biến hải sản ở vỉa hè đường Bùi Viện.
31 năm làm bếp, từng nấu phục vụ các đoàn khách cấp cao APEC đến TP, giờ ông chấp nhận quay về con số 0. Dẫu vậy, phố Tây - Bùi Viện, nơi làm việc mới của ông cũng đang rơi vào “thảm cảnh”. Vắng khách, phố “quẩy” ngày nào giờ treo đầy biển sang nhượng hoặc cho thuê mặt bằng.
Cách nơi đầu bếp Vũ đứng khoảng 200m, Nguyễn Thị Nghi - nhân viên tiệm kem Bingsu - ngồi nhìn về dãy ghế không một bóng người phía trước. Việc không có hoạt động giao tiếp nào với khách khiến cơn buồn ngủ ập đến. Trước dịch, tiệm kem nằm trong khu thương mại dưới lòng đất - Central Market (quận 1) có thể kiếm được 2 triệu đồng/ngày, nhưng giờ có ngày thu về chỉ 100.000-200.000 đồng, doanh thu giảm còn 1/10. Nghi tắt điện, đóng cửa đi về.
Việc chậm mở cửa đón khách quốc tế càng khiến khó khăn đè nặng lên ngành du lịch. (Ảnh: Trần Chung)
Hai địa điểm trên vốn là nơi tập trung nhiều khách du lịch quốc tế lui tới, móc hầu bao chi trả cho ăn uống, giải trí, mua sắm trước dịch COVID-19. Hiện tại, đây cũng là minh chứng rõ nhất cho những gì ngành du lịch đang phải gánh chịu, do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
“Tôi chán nói tới các con số lắm rồi bởi thiệt hại của hàng không, du lịch, của nền kinh tế thể hiện qua các con số thì quá nhiều. Nói ra làm đau lòng các doanh nghiệp ở đây”, TS. Lương Hoài Nam mở đầu phần phát biểu tại Tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế” sáng 7/12.
Ông Nam bật slide bức ảnh chụp một khách sạn treo băng rôn xin chính quyền TP. Vũng Tàu cứu DN bằng việc cho mở lại các hoạt động. Ông gọi đó là “tiếng kêu”. Tiếng kêu đặt ở mặt tiền khách sạn, tiếng kêu này hơn mọi con số và đây là tiếng kêu đại diện cho hàng chục nghìn, trăm nghìn DN.
Bà Trần Nguyện - Trưởng ban Kinh doanh Khối Sun World, Tập đoàn Sun Group - cho rằng, du lịch là ngành bị tổn thương nặng nề nhất nhưng cũng phục hồi chậm nhất. Hệ thống Sun World có thể đối chiếu ngành du lịch Việt Nam rất rõ khi trước đây, mỗi năm đón khoảng 13 triệu lượt khách cả quốc tế và nội địa. Còn giờ, đơn vị chủ lực thuộc hệ thống là Bà Nà Hills đã sụt giảm tới 94-96% lượng khách trong 2 năm qua.
“Có chủ du thuyền ở Quảng Ninh hỏi tôi bao giờ du lịch mở cửa. Để nuôi nghề, họ đã bán tới ngôi nhà thứ 3. Còn chúng tôi đang gồng gánh 11.000 nhân sự, vẫn đảm bảo đời sống nhân viên, bảo dưỡng cơ sở vật chất, trả nợ ngân hàng, tiền lãi, tiền thuế, tiền đất”, bà Nguyện chia sẻ.
Một trung tâm thương mại ở quận 1 (TP.HCM) từng có rất đông du khách nước ngoài, nay như bỏ hoang (ảnh: Trần Chung)
Hãy mở du lịch một cách đàng hoàng, sợ thì đừng làm
Để mở cửa dịp này, TGĐ Công ty cổ phần Ngôi sao biển Sài Gòn - ông Huỳnh Văn Sơn - sẽ phát mãi tài sản để có nguồn vốn cuối cùng trở lại hoạt động. DN chỉ đề đạt mong muốn duy nhất là ngành du lịch đẩy nhanh tiến độ, có các quy định mở đường cho phục hồi du lịch. Bởi, mỗi ngày trôi qua, chi phí đè nặng thêm DN. Một là mở cửa sớm, hai là vào cửa tử.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel - sợ nhất sự “quay xe” trong chính sách. Bởi “quay xe” là DN “té xe” luôn chứ không có cửa sống. Chính sách nay đưa kiểu này, mai ra thế khác thì không DN nào chịu thấu. Ông Kỳ dẫn chứng việc Hà Nội yêu cầu cách ly 7 ngày người đến từ TP.HCM và treo biển ở cửa nhà trước đây.
Chủ tịch Vietravel nhận định, thị trường nội địa không đủ sức để cứu và kéo ngành du lịch cũng như hàng không. Do đó, bắt buộc phải mở cửa quốc tế, càng đóng lâu thì càng mất lợi thế và số tiền phải chi ra để phục hồi sẽ càng lớn vì gánh chi phí cơ hội. Mở chậm bao nhiêu, khó kéo lại bấy nhiêu, không cạnh tranh nổi với các nước bạn.
TS. Trần Du Lịch đồng quan điểm, việc chần chừ và không có giải pháp mạnh để phục hồi khiến Việt Nam sẽ lỡ tàu. Nói nôm na, con bệnh cần thuốc mà không uống luôn, uống chậm thì thuốc đó bị vô hiệu. Vẫn tốn tiền, tốn công nhưng vô dụng.
Theo ông Lịch, nếu đã mở du lịch để phục hồi thì không nên sợ hãi việc mở hàng không, mở chuyến bay thương mại. Còn sợ hãi thì thôi, khỏi làm. Cơ bản ngành du lịch đã là lo xo bị liệt, không tự phục hồi được. Mà càng để liệt, dù có buông, không đè nén nữa thì cũng không thể lên nổi. Cơ quan nhà nước không thể chậm hơn nữa và phải có giải pháp mạnh ở cả 3 mảng lưu trú, lữ hành, đặc biệt vận tải quốc tế để có thể phục hồi ngay trong mùa Tết sắp tới.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên việc sớm mở cửa sẽ kéo theo sự phục hồi của các dịch vụ liên quan (ảnh: Trần Chung)
TS. Lương Hoài Nam dẫn một loạt quốc gia đã mở cửa, có chính sách đón khách quốc tế rõ ràng. Cụ thể, đến Thái Lan, trẻ em đi cùng không cần thẻ xanh, khách ở lại khách sạn 1 đêm để chờ kết quả test, sau đó tự do đi thoải mái. Campuchia mở cửa với cả thế giới. Singapore mở theo hướng thỏa thuận song phương, có đi có lại. Tuy nhiên, không có một nước nào yêu cầu cách ly tập trung. Việt Nam là độc nhất và duy nhất. Hướng dẫn thí điếm đón khách du lịch quốc tế của Bộ VH-TT&DL thì khó áp dụng.
“Tỷ lệ tiêm vaccine của Hà Nội và TP.HCM thuộc top hàng đầu thế giới thì còn chờ công cụ chống dịch gì nữa? Tiêm xong rồi thì phải thích ứng, thích nghi an toàn theo Nghị định 128 của Chính phủ, phải làm ăn, phát triển kinh tế chứ còn gì nữa đâu mà chờ”, ông Nam đặt câu hỏi.
Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - ông Hà Văn Siêu, khẳng định, chính quyền các địa phương cũng như cơ quan TƯ đã và đang ban hành các chính sách kịp thời để phục hồi nền kinh tế. Việc muốn quay lại giai đoạn trước dịch là điều chính đáng. Tuy nhiên, sau thời gian dài ngưng trệ, cần có lộ trình, giai đoạn quá độ và có những bước phải xem xét, cân nhắc.
“Đương nhiên, đối tượng chịu tác động thì muốn nhanh nhưng cơ quan quản lý thì phải cân nhắc những bước đi thận trọng, chắc chắn. Đó là điều dễ hiểu”, Phó Tổng cục trưởng nói.