Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mở lại đường bay quốc tế thường lệ: Cần làm gấp để cứu hàng không, du lịch

(VTC News) -

Các chuyên gia cho rằng mở lại đường bay quốc tế thường lệ là nhu cầu cấp thiết để hồi phục kinh tế, nhưng cần linh hoạt, hiệu quả và an toàn.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa gửi công văn tới Văn phòng Chính phủ kiến nghị giải pháp khôi phục khai thác hàng không quốc tế. Nội dung văn bản cho hay tất cả các hãng hàng không, doanh nghiệp khai thác sân bay đều kiến nghị nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các nước.

Ngoài ra, đại diện các bộ như Y tế, Ngoại giao, Công an, Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng bày tỏ quan điểm thống nhất chủ trương và sự cần thiết khôi phục khai thác hàng không quốc tế để phù hợp với chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch COVID-19.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia đồng tình với đề xuất trên. Vì việc mở bay quốc tế đối với những quốc gia đã kiểm soát dịch tốt còn để cứu nền kinh tế vốn đang rất cần được phục hồi qua duy trì đầu tư, du lịch và giao thương với nước ngoài. Hàng không là ngành có sức lan tỏa rất rộng, là cầu nối quan trọng nhất với thế giới. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, không thể để thế giới sôi động còn mình thì "đóng cửa".

Bỏ quy định cách ly tập trung để cứu hàng không

Để có thể sớm khôi phục khai thác hàng không quốc tế trong thời gian tới, Bộ GTVT mới đây đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế nghiên cứu nới lỏng tối đa quy định về cách ly đối với hành khách nhập cảnh phù hợp với chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tiến tới xem xét thời điểm dỡ bỏ quy định cách ly để thông báo tới các hãng hàng không tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao thúc đẩy tiến trình đàm phán thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vaccine".

Nhận định về đề xuất trên, chuyên gia hàng không, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng mở lại đường bay quốc tế thường lệ lúc này là vô cùng cấp thiết, giúp đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy khôi phục du lịch quốc tế và kinh tế.

“Việc khôi phục các đường bay thường lệ quốc tế là cần thiết với sự hồi phục của ngành hàng không nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Tôi cho rằng chúng ta nên cân nhắc mở lại đường bay tới các quốc gia trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19”, ông Tống nói.

Chuyên gia cho rằng việc mở lại đường bay quốc tế là cần thiết để hồi phục kinh tế nhưng phải thực hiện an toàn, hiệu quả.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, hàng không có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của nền kinh tế. Do đó việc mở lại đường bay quốc tế là cần thiết để phục hồi kinh tế, kèm theo các quy định về kiểm soát y tế, đặc biệt là việc sử dụng hộ chiếu vaccine đối với người nhập cảnh vào Việt Nam.

Nên mở lại đường bay quốc tế thường lệ với các quốc gia chưa phát hiện biến chủng mới Omicron và quản lý, giám sát du khách bằng ứng dụng công nghệ hiệu quả. Với du khách đã tiêm vaccine hai mũi, xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ thì không cần cách ly tập trung”, ông Long nói.

Trước đó, chia sẻ tại toạ đàm về việc mở lại đường bay quốc tế an toàn, GS.TS Trần Thọ Đạt, thành viên tổ Tư vấn của Thủ tướng, cho rằng, hiện đã là “thiên thời địa lợi” để mở lại đường bay quốc tế”.

Ông Đạt phân tích, trên phương diện kinh tế, việc mở lại đường bay quốc tế phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và khả năng ứng phó với các đợt bùng phát mới có thể xảy ra. Dù không thể chắc chắn bao giờ dịch kết thúc nhưng một điều rất quan trọng là nền tảng chống dịch của thế giới cũng như Việt Nam đang được củng cố.

Phố cổ Hội An đón đoàn khách quốc tế đầu tiên sau 2 năm

Việt Nam đã trải qua đợt dịch thứ 4, tác động rất lớn về y tế và kinh tế. Nhưng chúng ta cũng đã tích lũy thêm được rất nhiều kinh nghiệm. Hiện tỷ lệ tiêm vaccine ở Việt Nam đạt hơn 80% tiêm mũi 1, hơn 40% tiêm mũi 2. Về nền tảng y tế phòng và chống dịch, Việt Nam đã đạt được mức độ tiêm chủng tương đương các nền kinh tế phát triển.

Với đợt dịch thứ 4, tôi cho rằng hệ thống y tế của ta đã tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm. Nếu chúng ta chần chừ sẽ chậm chân, lỡ nhịp khi thị trường hàng không quốc tế đã hồi phục”, ông Đạt nhấn mạnh.

Phân tích tại Tọa đàm "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế" do báo Thanh Niên tổ chức, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng: "Hàng không và du lịch là 2 phạm trù song đôi, không thể mở 1 nửa. Nếu hàng không cứ bay charter như hiện nay thì đừng bàn mở cửa du lịch. Nếu đã mở du lịch, không thể sợ hãi mở hàng không, mở đường bay thương mại quốc tế".

Theo ông Lịch, không còn thời gian để chần chừ mở cửa du lịch. "Phải có giải pháp mạnh, đồng bộ ở cả 3 mảng lưu trú, lữ hành, đặc biệt là vận tải quốc tế, hàng không để phục hồi ngay trong mùa Tết sắp tới", ông Lịch nói. 

Mở cửa nhưng cần thận trọng

Khuyến cáo nên mở cửa nhưng chuyên gia nhấn mạnh Việt Nam có thể nới lỏng các biện pháp cách ly, đồng thời áp dụng “hộ chiếu vaccine” như một số chuyến bay mà các hãng hàng không đã thực hiện hiệu quả trong thời gian vừa qua. Tuy vậy, trước sự lây lan của biến chủng mới, Bộ GTVT cần rà soát và làm việc lại với các bộ, ngành nhất là y tế để thống nhất phương án mở lại đường bay quốc tế sao cho an toàn, hiệu quả.

“Với biến chủng Omicron, hiện chúng ta chưa thể đánh giá hết những nguy hiểm của nó nên việc mở đường bay quốc tế tới những quốc gia đã phát hiện biến thể này cần phải thận trọng và tiến hành từng bước”, PGS Tống lưu ý.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng chúng ta nên mở rộng việc đón khách quốc tế nhưng cần phải cân nhắc, xem xét cụ thể, không nên ồ ạt mở cửa ở tất cả các địa phương.

Với những thành phố du lịch và hiện đang kiểm soát dịch bệnh tốt như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang thì có thể mở cửa đón khách nếu tiêm đủ 2 mũi hoặc xét nghiệm âm tính. Nhưng với Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương có mật độ dân số cao thì chưa nên đón khách quốc tế.

“Tôi cho rằng, trước hết chỉ nên làm tại một số khu vực du lịch lớn, những thành phố không đông dân quá, công tác phòng chống dịch cũng không quá tải. Chúng ta nên thực hiện từng bước một”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hùng, việc mở cửa đón khách cũng nên thận trọng. Bởi lẽ, nếu là biến chủng Delta thì không ảnh hưởng lắm, nhưng vài tuần gần đây có biến chủng mới Omicron thì cần xem xét cẩn thận. Nên hạn chế khách đến từ các khu vực có biến chủng mới này.

Đà Nẵng đón chuyến bay đầu tiên đưa khách quốc tế đến Việt Nam.

Doanh nghiệp sẵn sàng cất cánh

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, trong buổi làm việc mới đây giữa Bộ GTVT với các hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và đại diện các bộ, ngành liên quan, đại diện các sân bay quốc tế của Việt Nam cho biết đã sẵn sàng cho việc tiếp đón các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách. Ngoài việc toàn bộ nhân viên đã tiêm vaccine, các sân bay bố trí đầy đủ các khu vực, trang thiết bị tiếp đón các chuyến bay và hành khách đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đại diện Vietnam Airlines, sau khi có chủ trương về việc thí điểm mở cửa một số địa điểm du lịch cho khách quốc tế, hãng đã tích cực phối hợp với các đối tác lớn như: Sun Group, Vingroup, Thiên Minh Group, Sài Gòn Tourist… và các địa phương liên quan nhằm chuẩn bị, tổ chức các chuyến bay đưa khách quốc tế từ những thị trường trong khu vực Châu Âu, Đông Bắc Á như Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Vietnam Airlines cũng đã thí điểm đưa khách quốc tế các điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Nam. Khách đến đã hoàn thành tiêm chủng, được cấp “hộ chiếu vaccine” và sẽ tham gia tour du lịch trọn gói 7 ngày tại 5 điểm đến ở Việt Nam.

Ngoài ra hãng cũng xây dựng lịch bay và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực (máy bay, phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật…) trong 2022, bám sát vào lộ trình mở cửa trở lại do cảng hàng không đề xuất. Từ tháng 1/2022, Vietnam Airlines dự kiến triển khai lại các đường bay thường lệ tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia…

Hoà Bình - Nguyễn Yến

Tin mới