Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giải mã vị ngon bánh gai Tứ Trụ Thanh Hóa nức tiếng

(VTC News) -

Bánh gai Tứ Trụ là đặc sản không thể thiếu trong bản đồ ẩm thực xứ Thanh, món bánh dân dã, đậm đà vị quê khiến bất cứ ai thưởng thức cũng gật đầu tấm tắc khen ngon.

Bánh gai Tứ Trụ có nguồn gốc từ làng Mía, thuộc địa phận xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ngôi làng này được hình thành cách đây khoảng gần 600 năm, có vị trí thuận lợi, liền kề dòng sông chu màu mỡ trù phú. Tới nay, nghề làm bánh gai ở làng Mía vẫn còn tồn tại, có hơn một nửa hộ dân vẫn còn theo nghề.

Bánh gai Tứ Trụ - món ngon Thanh Hóa không thể chối từ. (Ảnh minh họa) 

Theo lời kể của những người dân làng Mía ở Thọ Xuân, trước đây loại bánh gai này được dâng lên tiến vua và chỉ được làm vào những ngày Lễ, Tết, dịp quan trọng. Nhưng về sau này, nhu cầu của người mua ngày càng cao, vì vậy làng nghề sản xuất quanh năm để đáp ứng cho những cơ sở bán đặc sản hoặc phục vụ khách du lịch mua về làm quà.

Tên bánh gai Tứ Trụ xuất phát từ những năm 1940, khi người làng Mía mang bánh gai đi bán ở phố Tứ Trụ (thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân ngày nay), người mua quen miệng thường gọi là bánh gai Tứ Trụ. Vậy nên từ đó, bánh gai làng Mía mang một cái tên mới và trở thành món đặc sản Thanh Hóa ngon trứ danh, nổi tiếng khắp mọi miền đất nước. 

Hương vị độc đáo của đặc sản bánh gai Tứ Trụ 

Bánh gai đã không còn quá xa lạ với nhiều người, tuy nhiên món bánh gai Thanh Hóa Tứ Trụ lại mang trong mình một bản sắc riêng, khiến bất cứ du khách nào đặt chân tới đây cũng đều muốn thử một lần.

Thành phẩm món bánh gai Tứ Trụ đạt tiêu chuẩn sẽ có hương thơm đặc trưng của lá gai, lá chuối quyện vào nhau. Thưởng thức một miếng bánh, ta sẽ cảm nhận được dư vị thơm bùi của gạo nếp, mật mía, dầu chuối, nhân đậu xanh và đậm đà của thịt ruốc. Bánh gai Tứ Trụ có thể để ở nhiệt độ thường khoảng 1 tuần đối với mùa hè, mùa đông bánh sẽ để được lâu hơn khoảng 10 đến 15 ngày.

Bánh gai Tứ Trụ có thể để ở nhiệt độ thường khoảng 1 tuần đối với mùa hè. (Ảnh minh họa) 

Một chiếc bánh đạt yêu cầu là thịt bánh phải vừa dẻo mịn vừa thơm đặc trưng của lá chuối tiêu, hòa quyện với vị dịu mát của lá gai, gạo nếp và mật mía, phảng phất hương thơm nồng của dầu chuối, thêm cái ngọt thanh thanh của nhân đậu, bùi bùi của dừa khô, đậm đà của thịt nạc… Đây cũng chính là bí quyết gia truyền đã làm nên hương vị thơm ngon, đặc trưng của bánh gai Tứ Trụ. 

Bánh gai ngon nhưng cũng phải biết cách thưởng thức. Khi bóc bánh, đến lớp lá trong cùng phải bóc theo kiểu tước nhỏ giống bóc bánh nếp. Vì bánh dẻo và dính nên không thể bóc giống bóc bánh lá hay bánh giò. Bánh gai thường được ăn sau khi hấp khoảng 10 giờ.

KHÔI NGUYÊN (Tổng hợp)

Tin mới