Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giải mã tàu chiến bí ẩn của hải quân Trung Quốc

(VTC News) -

Tàu chiến tàng hình mới của Trung Quốc được đóng với tốc độ rất nhanh nhưng chưa rõ nhiệm vụ của lớp tàu này, và đến này mới chỉ ghi nhận một chiếc được chế tạo.

Nhiều nguồn thông tin cho hay một tàu chiến mới của Trung Quốc có các đặc điểm tàng hình dường như vừa thực hiện chuyến hải hành thử nghiệm đầu tiên.

Theo nhận định của The War Zone (TWZ), thiết kế của con tàu Trung Quốc có một số điểm tương đồng lớn với các tàu hộ tống tàng hình lớp Visby của Thụy Điển, bao gồm một pháo chính giấu bên trong mái vòm thấp, nhưng kích cỡ lớn hơn. Tốc độ đóng con tàu này cho thấy quy mô và năng lực đóng tàu của Trung Quốc, đặt ra những thách thức lớn đối với ngay cả những đối thủ được trang bị tốt nhất như Mỹ.

Chỉ hai tuần trước, Phúc Kiến, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế, có máy phóng máy bay kèm theo các công nghệ cải tiến khác so với các tàu sân bay biên chế trước đó của hải quân nước này, bắt đầu chuyến thử nghiệm trên biển đầu tiên.

Con tàu bí ẩn

Hình ảnh con tàu bí ẩn đã xuất hiện trên mạng xã hội từ cuối tuần qua. Hiện vẫn chưa rõ con tàu rời cảng khi nào, đi đâu và đã quay trở lại cảng hay chưa.

Hình ảnh đầu tiên về con tàu xuất hiện tháng 11/2023, là một bức ảnh chụp Nhà máy đóng tàu Liêu Ninh, còn được gọi là Nhà máy đóng tàu Nam Đại Liên Liêu Ninh. Theo Tom Shugart, chuyên gia cao cấp của Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), hình ảnh vệ tinh cho thấy con tàu đã được đóng ở đó ít nhất từ tháng 8/2023.

Hình ảnh tàu chiến tàng hình bí ẩn của hải quân Trung Quốc. (Ảnh: Weibo)

Ngoài khẩu pháo chính được giấu ở mũi tàu, bức ảnh xuất hiện trên mạng hồi tháng 11 năm ngoái cho thấy một dãy ống phóng thẳng đứng phía trước cấu trúc thượng tầng chính và một sàn đáp cho trực thăng ở đuôi tàu. Con tàu có thiết kế ưu tiên các tính năng tàng hình, với một cấu trúc cột tích hợp trên nóc buồng lái, không thấy có sự hiện diện của các ăng-ten chính và thiết bị phản xạ radar trên cấu trúc thượng tầng hoặc mặt boong.

Thân tàu được thiết kế với các bề mặt phẳng và cắt vát, nghiêng vào phía trong tính từ thân giữa trở lên. Các tàu hộ tống tàng hình lớp Visbly của Thụy Điển và tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt của Hải quân Mỹ đều có dạng thiết kế tương tự được gọi là ngôn ngữ tumblehome.

Tumblehome là một thiết kế kiến ​​trúc có các mặt phẳng hoặc mặt phẳng nghiêng vào phía trong từ một điểm nhất định, tạo ra hình dạng thu hẹp dần về phía trên. Nó được sử dụng trong thiết kế tàu thuyền, giúp cải thiện độ ổn định và hiệu suất khí động học.

Ông Shugart ước tính con tàu chiến tàng hình mới của Trung Quốc dài khoảng 97 mét dựa trên so sánh với các tàu hộ tống Type 056 không tàng hình (NATO gọi là lớp Giang Đảo) cũng được thấy trong các hình ảnh vệ tinh. Tàu Type 056 dài 90 mét, lượng giãn nước khoảng 1.500 tấn. Nhà máy đóng tàu Liêu Ninh từng đóng tàu Type 056.

Chưa rõ hải quân Trung Quốc sử dụng tàu tàng hình mới vào nhiệm vụ gì. Andreas Rupprecht, một nhà quan sát Trung Quốc lâu năm, cộng tác viên của TWZ, viết trên X rằng rất có thể con tàu lạ này là một "nền tảng thử nghiệm toàn diện" mà người bên ngoài chưa rõ mục tiêu.

Shugart cũng nhận định tương tự. “Đã có tin đồn rằng thiết kế này là một loại nền tảng thử nghiệm nào đó và điều này là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông nói. "Hoặc đây cũng có thể là lớp tàu hộ tống mới của hải quân Trung Quốc.

Tại thời điểm này, thật khó để biết chắc chắn. Chúng ta chỉ thấy việc đóng mới tàu loại này chỉ diễn ra ở nhà máy Đại Liên, trong khi việc chế tạo các khinh hạm Type 054B mới đang được thực hiện ở nhiều nhà máy. Có lẽ hải quân Trung Quốc sẽ áp dụng cách tiếp cận chờ - đợi - xem- xét, vì đây là một thiết kế khá khác biệt, dường như tập trung vào các tính năng khó bị phát hiện”.

Hình ảnh con tàu bí ẩn xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc cuối năm 2023.

“Chờ đợi và xem xét” là chiến lược trì hoãn đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động cho đến khi có thêm thông tin hoặc cho đến khi tình hình trở nên rõ ràng hơn. Cách tiếp cận này thường được sử dụng khi có nhiều điều không chắc chắn hoặc rủi ro liên quan đến một tình huống. Bằng cách chờ đợi, cá nhân hoặc tổ chức có thể thu thập thêm thông tin và đánh giá tốt hơn các lựa chọn của họ, từ đó tăng cơ hội đưa ra quyết định đúng đắn.

Dù vậy, lớp tàu hộ tống tàng hình mới được cho là sẽ rất có giá trị đối với hải quân Trung Quốc và có thể được sử dụng trong một số vai trò, đặc biệt là ở các vùng ven biển.

Shugart nói: “Giả sử lớp tàu này cuối cùng sẽ thay thế các tàu hộ tống cũ của Trung Quốc, tôi nghĩ nó sẽ có vai trò hộ tống, tác chiến chống tàu ngầm và có lẽ là phòng không điểm”. Tàu chiến làm nhiệm vụ phòng không điểm được thiết kế và trang bị các vũ khí phòng không để bảo vệ hạm đội hoặc các đoàn tàu khỏi các cuộc tấn công từ trên không. Tàu phòng không điểm thường nhỏ và linh hoạt, được trang bị radar, tên lửa và pháo phòng không.

Nếu những nhận định của ông Shugart chính xác thì vai trò của con tàu mới có thể tương tự các tàu hộ tống Type 056 với khả năng đa nhiệm trong biên chế hải quân Trung Quốc.

Cuối năm 2021, lực lượng này chuyển giao 22 tàu hộ tống Type 056, chiếc đầu tiên được đưa vào biên chế vào đầu năm 2013, cho lực lượng hải cảnh. Hải quân Trung Quốc hiện có 50 tàu hộ tống Type 056A đang hoạt động, chiếc đầu tiên được đưa vào biên chế vào cuối năm 2014, chủ yếu thực hiện các hoạt động chống tàu ngầm.

Nhiệm vụ của con tàu mới?

Tuy nhiên, không giống như Type 056, khả năng tàng hình của con tàu bí ẩn có thể đặc biệt hấp dẫn đối với hải quân Trung Quốc. Thiết kế không khiến con tàu trở nên vô hình, nhưng tàu khó bị phát hiện và phân loại trên radar ở khoảng cách xa. Đối với các đối thủ, sẽ rất khó xác định và tấn công con tàu này ở tầm xa trong các vùng ven biển vì nó lẫn vào các thuyền nhỏ hơn trên radar và tận dụng sự rối loạn địa lý để tránh bị phát hiện.

Rối loạn địa lý là thuật ngữ được sử dụng trong lĩnh vực radar và xử lý tín hiệu, mô tả các tín hiệu radar không mong muốn do các vật thể địa lý như núi, đồi, tòa nhà và cây cối tạo ra. Rối loạn địa lý có thể che khuất các mục tiêu mà radar đang cố gắng phát hiện và theo dõi, làm giảm hiệu suất của hệ thống radar.

Tàu tàng hình lớp Visby của hải quân Thụy Điển. (Ảnh: Dan Rosenbaum)

Các khu vực ven biển đông đúc, giống như các khu vực trong Chuỗi đảo thứ nhất, khu vực bên trong vành đai nối từ quần đảo Kuril qua Nhật Bản, đảo Okinawa, đảo Đài Loan và tới Philippines, có ý nghĩa quan trọng đối với hải quân Trung Quốc. Hơn nữa, Chuỗi đảo thứ nhất còn trải dài đến Biển Đông có tính chiến lược cao. Bắc Kinh đã quân sự hóa trái phép phần lớn khu vực thông qua việc xây dựng các pháo đài trên đảo nhân tạo.

Ngoài ra còn có khả năng hải quân Trung Quốc sẽ sử dụng một hạm đội tàu hộ tống tàng hình mới phòng thủ bờ biển, cho phép các tàu khác, ví dụ khinh hạm Type 054A, thực hiện các nhiệm vụ xa bờ hơn.

Theo nhận định của TWZ, sự xuất hiện tàu hộ tống tàng hình phù hợp với xu hướng đang diễn ra trên thế giới, khi các tàu hộ tống, khinh hạm được trang bị vũ khí hạng nặng ngày càng phổ biến.

Dù thế nào đi nữa, chắc chắn rằng sự phát triển của con tàu tàng hình bí ẩn đã diễn ra cực kỳ nhanh chóng - ngay cả theo ước tính của Shugart.

“Lần đầu tiên tôi phát hiện con tàu đang được chế tạo là tháng 8 năm ngoái và bây giờ chúng ta thấy con tàu đi thử nghiệm trên biển, 9 tháng sau đó,” ông nói.

Đây là dấu hiệu cho thấy tốc độ đóng tàu quân sự của Trung Quốc thời gian gần đây ngày càng gia tăng. Gần một năm trước, Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ cảnh báo rằng tốc độ đóng tàu của Trung Quốc nhanh hơn 200 lần so với Mỹ và không chỉ số lượng, chất lượng của các tàu cũng được nâng lên ở mức “ít nhất là ở một khía cạnh nào đó”.

“Ngược lại với tốc độ đóng tàu nhanh chóng của Trung Quốc, tàu khu trục lớp Constellation mới của hải quân Mỹ ban đầu dự kiến hoàn thành trong 48 tháng kể từ khi khởi đóng đến khi giao hàng, và giờ chúng tôi nhận được tuyên bố từ hải quân Mỹ là tiến độ sẽ chậm hơn nhiều so với con số 48 tháng”, ông Shugart, cựu sỹ quan hải quân Mỹ, nói.

Trúc Mai

Tin mới