Hãng tin Sina của Trung Quốc ngày 14/5 đưa tin, mạng xã hội Trung Quốc gần đây xuất hiện đoạn video nghi do cư dân mạng nước này quay bằng máy báy không người lái (UAV), ghi lại cận cảnh tàu khu trục trực thăng Izumo của Nhật Bản neo đậu tại căn cứ hải quân Yokosuka ở quận Kanagawa.
Đoạn video dài khoảng 20s, cho thấy UAV đã hạ cánh xuống sàn đáp của tàu Izumo mà không gặp bất kỳ trở ngại nào, sau đó lại cất cánh và bay đi.
Ảnh chụp màn hình video cho thấy máy bay không người lái nghi là của Trung Quốc hạ cánh xuống tàukhu trục trực thăng Izumo của Nhật Bản. (Ảnh: Sina)
Theo SCMP, hơn 6 tuần sau khi đoạn video xuất hiện trên mạng, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara cuối cùng đã xác nhận rằng đoạn phim này là có thật, bác bỏ những giả thuyết trước đó cho rằng nó đã được làm giả bằng trí tuệ nhân tạo.
"Vụ xâm nhập gây ra mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Chúng tôi đang xem xét sự việc một cách cực kỳ nghiêm túc", ông Kihara nói.
Sina chỉ ra rằng khu vực xung quanh căn cứ Yokosuka được chỉ định là không phận cấm bay đối với UAV các loại nên hành động của UAV liên quan là "bất hợp pháp", nhưng vụ việc cũng bộc lộ "những lỗ hổng đáng lo ngại" trong hệ thống phòng thủ của Nhật Bản.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thường sử dụng radar để phát hiện các UAV cỡ nhỏ. Nếu chúng bị đánh giá là bay trái phép, họ sẽ cố gắng bắt chúng bằng thiết bị gây nhiễu sóng vô tuyến. Tuy nhiên, từ diễn biến trong video có thể nói rằng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản "từ đầu đến cuối không phát hiện ra sự việc".
Ngay cả việc điều tra cơ bản về sự thật cũng mất hơn một tháng. Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản chỉ trích "cuộc điều tra kéo dài quá lâu".
Giáo sư Garren Mulloy tại Đại học Daito Bunka (Tokyo, Nhật Bản), chuyên về các vấn đề an ninh và quân sự, nhận định: “Không phải dấu hiệu tốt nếu UAV có thể dễ dàng xâm nhập vào căn cứ vì những thiết bị này có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo hoặc tín hiệu tình báo”.
Khi vụ việc vẫn chưa kết thúc, phía Nhật Bản trong quá trình điều tra phát hiện tài khoản mạng xã hội trên không chỉ đăng video về tàu Izumo, mà còn có cả video và hình ảnh tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ được triển khai tại căn cứ Yokosuka.
Ngoài cái nhìn toàn cảnh về tàu sân bay Reagan từ trên cao, còn có tàu chỉ huy đổ bộ USS Blue Ridge, một số tàu khu trục, một phần bờ biển và điều kiện bên trong của căn cứ Yokosuka.
Hình ảnh tàu sân bay Reagan nghi do UAV ghi lại từ trên cao. (Ảnh: Stars and Stripes)
Tờ Stars and Stripes của Mỹ cho biết tài khoản đăng tải những video và hình ảnh liên quan lên mạng xã hội có tên là "Xiao_Hao_4".
Sự việc khiến Hải quân Mỹ tức giận. Ông Justin Keller, phát ngôn viên của Căn cứ Yokosuka của Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, xác nhận rằng căn cứ này đã nhận được thông tin về các bức ảnh và video, đồng thời cho biết Cơ quan Điều tra hình sự Hải quân Mỹ đã đặc biệt “điều tra tính xác thực của chúng”.
Cũng giống như tuyên bố ban đầu của Nhật Bản, ông Keller nói rằng “cuộc điều tra không phát hiện dấu hiệu nào cho thấy UAV bay qua tàu Reagan”.
Ông cũng tuyên bố rằng căn cứ và các tàu tác chiến của nó "được bảo vệ nghiêm ngặt hàng ngày và sự an toàn của căn cứ cũng như thủy thủ đoàn của USS Ronald Reagan chưa bao giờ bị nghi ngờ".
Tuy nhiên, ông Keller tránh trả lời câu hỏi của tờ Stars and Stripes về tính xác thực của video.
UAV được cho là đã tiếp cận khá gần tàu sân bay USS Ronald Reagan đang neo đậu tại căn cứ hải quân Yokosuka. (Ảnh: Sina)
Các nhà phân tích cho rằng, đánh giá từ độ cao của các bức ảnh và video, UAV đã ở khá gần tàu sân bay, gần như "mặt đối mặt", nhưng Hải quân Mỹ không hề hay biết. Nếu video là thật, thì các biện pháp bảo vệ mà các tàu sân bay Mỹ và Nhật Bản tự hào đã bị qua mặt bởi cùng một loại UAV cỡ nhỏ.
Điều này cũng chứng minh một cách khách quan rằng các phương pháp giám sát và phòng thủ hiện đại quả thực khó có thể ngăn chặn hoàn toàn các loại UAV cỡ nhỏ tràn lan như vậy.
Thực tế, trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, quân đội Nga cũng gặp không ít khó khăn trước các UAV và máy bay giá rẻ của Ukraine.