Hiện giá vàng miếng các thương hiệu đang niêm yết cụ thể như sau: Vàng DOJI tại khu vực Hà Nội giữ nguyên mức giá chiều mua sáng hôm qua (7/10) với mức 68,25 triệu đồng/lượng nhưng điều chỉnh tăng 100.000 đồng ở chiều bán lên mức 69,25 triệu đồng/lượng.
Tại TP.HCM, thương hiệu DOJI cũng tăng ở mức 100.000 đồng ở cả 2 chiều so với rạng sáng qua, giá mua vào cao hơn 150.000 đồng so với Hà Nội.
Giá vàng SJC sáng 8/10 giao dịch trên 69 triệu đồng/lượng. (Ảnh minh hoạ).
Vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang mua vào mức 68,5 triệu đồng/lượng và bán ra mức 69,32 triệu đồng/lượng.
Tại TP.HCM, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC tiếp tục được điều chỉnh tăng 50.000 đồng ở chiều mua và 150.000 đồng ở chiều bán.
Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 68,5 triệu đồng/lượng mua vào và 69,2 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 100.000 đồng ở cả 2 chiều so với rạng sáng qua.
Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng 70.000 đồng ở chiều mua và 100.000 đồng ở chiều bán lên lần lượt 68,52 triệu đồng/lượng và 69,18 triệu đồng/lượng.
Trong phiên giao dịch cuối của tuần, giá vàng thế giới neo ở mức 1.833,1 USD/ounce, tương đương gần 54,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đảo chiều tăng nhẹ sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong 7 tháng khi phản ứng với dữ liệu lao động khả quan hơn dự kiến.
Cụ thể, theo Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế Mỹ tạo ra 336.000 việc làm trong tháng trước, đánh bại đáng kể kỳ vọng của thị trường.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, mức tăng lương đáng thất vọng và tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất vào tháng tới. Điều này đã giúp vàng đảo chiều và thu hẹp khoản lỗ trong tuần.
Giá vàng thế giới neo ở mức 1.833,1 USD/ounce, tương đương gần 54,3 triệu đồng/lượng (Ảnh minh hoạ).
Trong ngắn hạn, một số nhà phân tích cho rằng, vàng có nguy cơ giảm sâu hơn khi đối mặt với lợi suất trái phiếu cao và sức mạnh của đồng USD. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lạc quan vẫn có các yếu tố thúc đẩy vàng trong dài hạn.
Hầu hết các ý kiến cho rằng, lợi suất trái phiếu dài hạn tăng cao vẫn là một trong những cơn gió ngược đối với vàng. Minh chứng là trong tuần này, vàng chịu đợt bán tháo mạnh khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Mỹ tăng lên 5% lần đầu tiên kể từ năm 2007, trong khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất trong 16 năm ở mức 4,8%.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng lợi suất trái phiếu đang được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng Fed, ngay cả khi đã hoàn tất việc tăng lãi suất, vẫn sẽ giữ chúng ở mức hạn chế trong tương lai gần.
Một số nhà phân tích đã lưu ý rằng, trái phiếu dài hạn tăng cao và trên đường cong lợi suất, lợi suất dài hạn tăng nhanh hơn ngắn hạn, là dấu hiệu mạnh mẽ khác cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hướng tới suy thoái.
Theo Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty tài chính OANDA, dữ liệu lạm phát sẽ được các cơ quan chức năng của Mỹ công bố vào tuần tới có thể cung cấp một số hỗ trợ ngắn hạn cho giá vàng.
Ông Edward Moya giải thích chỉ số lạm phát có thể làm tăng kỳ vọng rằng Fed đã hoàn tất việc tăng lãi suất, điều này sẽ làm giảm bớt một số áp lực lên lợi suất trái phiếu, do đó hạ bớt tác động gây giảm giá vàng.
Mặc dù không loại trừ khả năng vàng rơi xuống mức 1.800 USD/ounce, nhưng chuyên gia này cho rằng, rủi ro thị trường gia tăng có thể khiến mức giá hiện tại trở thành điểm vào hấp dẫn.
"Trong ngắn hạn, tôi nghĩ đây là thời điểm để mua vào, ngay cả khi lãi suất trái phiếu tăng cao hơn. Với quá nhiều bất ổn kinh tế, có rất nhiều yếu tố hỗ trợ xu hướng tăng giá của vàng", ông Edward Moya nói.