Theo Giám đốc điều hành Gazprom Alexey Miller, sáng kiến này nhằm giúp đảm bảo giá cả minh bạch và công bằng trên thị trường khí đốt tự nhiên.
Ý tưởng thành lập một trung tâm cung cấp khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất vào tháng 10. Ông Putin cho biết điều này sẽ cho phép Nga chuyển hướng dòng chảy khí đốt từ các đường ống dẫn khí Nord Stream bị hư hại đến khu vực biển Đen.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Kazakhstan ngày 13/10. (Ảnh: Reuters)
Theo lãnh đạo Nga, trung tâm khí đốt sẽ không chỉ phục vụ như địa điểm phân phối mà còn có thể được sử dụng để xác định giá khí đốt và tránh “chính trị hóa” năng lượng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hoan nghênh ý tưởng này, tuyên bố rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ có thể mua khí đốt của Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, nhiều nước phương Tây, trong đó có Mỹ, lên tiếng chỉ trích kế hoạch này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết Washington tiếp tục “thúc giục các đồng minh thực hiện bước để đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng, nhằm giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tuyên bố đề xuất biến Thổ Nhĩ Kỳ thành trung tâm khí đốt “không có nhiều ý nghĩa”, vì châu Âu đặt mục tiêu loại bỏ năng lượng của Nga.
Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak tuần này cho biết Moskva và các nhà nhập khẩu năng lượng châu Âu đang tích cực thảo luận về việc tăng nguồn cung khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ sau khi trung tâm này được thành lập.
Hôm 27/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh về các biện pháp trả đũa đối với việc phương Tây hạn chế giá dầu xuất khẩu của Nga. Các biện pháp trừng phạt trước đó được EU, các nước G7 và Australia thực hiện, có hiệu lực vào đầu tháng này.
Sắc lệnh của Tổng thống Putin cấm cung cấp dầu và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga cho các quốc gia áp dụng giá trần trong hợp đồng. Đồng thời cũng cấm giao hàng nếu hợp đồng trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ định giá giới hạn.