Giai đoạn II của chương trình hỗ trợ xây nhà mới cho hộ có công, cựu chiến binh và hộ nghèo của tỉnh Hà Giang tiếp tục nhận được gần 60 tỷ đồng đóng góp từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.
Lễ phát động tổ chức chiều qua tại Hà Giang.
Chương trình 1953 là chương trình hỗ trợ xây nhà mới cho hộ có công, cựu chiến binh và hộ nghèo được tỉnh Hà Giang triển khai từ năm 2019 đến nay
Số tiền này dự kiến sẽ giúp xây mới được hơn 2.400 căn nhà cho cựu chiến binh, gia đình có công cách mạng, hộ nghèo, phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn, lá lành đùm lá rách của dân tộc, thấm đậm tình quân – dân nơi địa đầu cực Bắc.
Trong giai đoạn I, chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh, hộ nghèo đã thành công vượt mong đợi so với mục tiêu đặt ra. Đến ngày 10/3, toàn tỉnh Hà Giang đã triển khai xây dựng nhà ở mới cho 230 hộ người có công, 493 hộ cựu chiến binh, 1.526 hộ dân nghèo xã biên giới và 1.553 hộ nghèo xã nội địa.
Hiện, đã có 3.748 căn nhà mới được hoàn thành. Trong đó, 3.336 căn nhà đã hoàn thành trong giai đoạn 1, vượt mục tiêu đề ra 1.336 nhà. Bắt đầu từ giai đoạn 2 (tháng 9/2020 đến nay) có 412 hộ hoàn thành và 54 hộ đang triển khai xây dựng nhà ở mới.
Những căn nhà hỗ trợ hộ có công, cựu chiến binh và hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Có an cư, thì mới có lập nghiệp, những ngôi nhà theo diện 1953 đã thay đổi cuộc sống của nhiều người dân, cựu chiến binh nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Cựu chiến binh Giàng Vả Sính (80 tuổi), (xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) đến tuổi gần đất xa trời mới được đón một cái Tết Nguyên đán trọn vẹn trong ngôi nhà mới khang trang. Đã 60 năm, kể từ ngày xuất ngũ (năm 1961), ông Sính vẫn sống trong căn nhà cũ ọp ẹp làm bằng tre, nứa.
Đến năm 2019, tỉnh Hà Giang ban hành quyết định số 1953 thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh, hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, ông Giàng Vả Sính là một trong những cựu chiến binh đầu tiên nhận được nhà mới. Những ngôi nhà với tên gọi “Ý Đảng, lòng dân” được xây dựng hoàn toàn bằng tiền đóng góp của nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó là 1,3 triệu ngày công lao động giúp các hộ làm nhà.
Ngày nhận nhà mới, người cựu chiến binh mắt đỏ hoe, bàn tay gầy guộc miết từng viên gạch, từng thớ gỗ. Ước mơ có một ngôi nhà che mưa, che nắng của gia đình ông Sính cuối cùng đã thành hiện thực.
Trong buổi lễ phát động giai đoạn II chương trình xây nhà cho người có công, cựu chiến binh, hộ nghèo, ông Sính xúc động: “Nhờ ơn Đảng, Nhà nước, cuối cùng tôi cũng có mái nhà khang trang để che mưa, che nắng. Tôi xin được gửi lời cảm ơn đến Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Giang. Có được ngôi nhà mới, gia đình tôi an cư lạc nghiệp, bảo ban nhau làm ăn”.
Gia đình ông Sèn Chỉn Dìn cũng đón một cái Tết Tân Sửu trọn vẹn trong ngôi nhà mới theo diện 1953. Lấy nhau 30 năm, hai vợ chồng đã có 4 người con. Thế nhưng từ ngày nên vợ, nên chồng, cả gia đình bầu đoàn thê tử sống trong ngôi nhà phên nứa đã ọp ẹp, chẳng che nổi nắng gió, giá rét ngày đông. Từ ngày nhận nhà mới, vợ chồng, con cái bảo ban nhau làm ăn.
Tại buổi lễ phát động Chương trình 1953 giai đoạn II, ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, gửi lời cảm ơn đến các mạnh thường quân, doanh nghiệp... trong và ngoài tỉnh đã đóng góp, ủng hộ cho chương trình hoàn thành vượt kế hoạch giai đoạn I. Trong giai đoạn II, với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự đóng góp của người dân, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang kỳ vọng xây mới được hơn 2.400 căn nhà tình nghĩa.
Ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang trong buổi lễ phát động giai đoạn II của chương trình 1953.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Sơn kêu gọi các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm cùng toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động tục đóng góp, giúp đỡ cho gia đình cựu chiến binh, người có công và hộ dân nghèo.
Mặc dù tỉnh Hà Giang đã vận động được 225 tỷ đồng và hỗ trợ triển khai xây dựng 3.897 căn nhà cho đối tượng người có công, cựu chiến binh, hộ nghèo nhưng đây vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước có 6.185 căn nhà tạm bợ, chiếm tỷ lệ 14,91%.
Vì thế, Ban chỉ đạo mong muốn nhận được sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để có thêm những căn nhà khang trang cho cựu chiến binh, hộ nghèo, bà con người đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phát động giai đoạn 2 của chương trình 1953.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Có lẽ không có câu từ nào có thể diễn tả được ý nghĩa và hiệu quả của chương trình này. Chương trình đã mang đến niềm vui, nụ cười rạng rỡ và cả những giọt nước mắt của hộ nghèo khi được sống trong những ngôi nhà kiên cố, khang trang để họ có động lực vươn lên, thoát nghèo”.
Gần 60 tỷ đồng được quyên góp trong buổi lễ phát động giai đoạn II chương trình 1953.
Có mặt tại lễ phát động giai đoạn II, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người đã đồng hành, hỗ trợ tỉnh thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở từ những ngày đầu chia sẻ: “Hà Giang là tỉnh địa đầu Tổ quốc, nơi kết thúc chiến tranh muộn nhất cả nước, tuy đã phát triển nhiều so với trước nhưng người dân còn nhiều khó khăn. Trong khi mỗi người dân vùng biên cương giống như những chiến sĩ bảo vệ biên giới, việc hỗ trợ bà con có căn nhà kiên cố, có tư liệu sản xuất, bám biên cương là góp phần giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Điều này ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh rất cần sự hỗ trợ, góp sức của các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để Hà Giang vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo Quốc phòng, An ninh.
Cá nhân tôi biểu dương tỉnh Hà Giang rất quan tâm đến an sinh, đời sống của người dân. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, địa phương rất nỗ lực lo cho chiến sĩ, bà con, cựu chiến binh. Như vậy rất đáng quý!".