Thông tin từ Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) cho biết, đơn vị này đã phát hành hồ sơ mời thầu qua mạng chọn nhà thầu thực hiện sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội), dự kiến khởi công vào tháng 7 tới và hoàn thành vào quý 4 năm 2020.
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho hay, dự kiến kinh phí cho việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này sẽ hết khoảng 270 tỷ đồng.
Mặt cầu Thăng Long xuống cấp nghiêm trọng.
Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, công tác sửa chữa sẽ được áp dụng giải pháp công nghệ hiện đại và có chuyên gia nước ngoài giám sát thi công.
Cụ thể, công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép, sau đó hàn các đinh neo thép vào bản thép mặt cầu. Sau đó, đơn vị thi công sẽ lắp đặt lưới thép, đổ một lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao, cuối cùng sẽ phủ nhựa tạo nhám mặt cầu. Khe co giãn đã hư hỏng cũng sẽ được sửa chữa để khi sửa xong sẽ tăng khả năng chịu lực, đảm bảo mặt cầu có tuổi thọ trên 10 năm.
Ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định, công nghệ này được Tổng cục Đường bộ nghiên cứu 2 năm nay, trên cơ sở tiếp thu công nghệ của nhiều nước đã áp dụng. Ở Việt Nam, công nghệ này còn khá mới mẻ tuy nhiên đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công.
Trả lời về những lo ngại trong việc phân luồng giao thông, ông Huyện cho biết, trước khi khởi công sửa mặt cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ sẽ có thông tin về vấn đề này. Trong quá trình sửa chữa, sẽ cấm hoàn toàn các phương tiện qua cầu.
Mặt cầu Thăng Long từng trải qua nhiều lần sửa chữa. Dù đã được áp dụng nhiều biện pháp tuy nhiên đến nay tình trạng mặt cầu bị hư hỏng vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Công tác tìm kiếm các chuyên gia và giải pháp công nghệ sửa chữa mặt đường cũng được Tổng cục Đường bộ liên tục thực hiện. Tháng 8/2018, Tổng cục Đường bộ có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 3 phương án xử lý mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) đang bị hư hỏng khá nặng. Cùng với đó, đơn vị cũng đề xuất mời chuyên gia Nga hỗ trợ.
Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985. Cầu được xem là công trình thế kỉ của tình hữu nghị Việt - Xô.
Từ năm 2016 đến nay, Cục Quản lý đường bộ 1 tổ chức duy tu bảo dưỡng thường xuyên đã sửa chữa cục bộ các vị trí bê tông nhựa bị trượt, xô dồn, ổ gà để đảm bảo an toàn giao thông.