Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị An toàn giao thông năm 2019, ông Nguyễn Văn Huyện cho hay, Tổng cục Đường bộ đã nghiên cứu nhiều phương án sửa chữa mặt cầu trên thế giới. Cuối cùng đã trình Bộ GTVT phương án hàn các bulông treo trên mặt sắt và đổ khoảng 6-7cm bêtông sợi lên bề mặt.
“Đây là công nghệ của Mỹ, hiện đã làm tại 10 cầu ở Trung Quốc, nhưng là công nghệ mới, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam”, ông Huyện nói.
Ông Huyện cũng khẳng định, qua nghiên cứu, đánh giá các nhà thầu trong nước hoàn toàn có thể thi công được và chỉ phải nhập một số thiết bị đặc thù.
Tổng cục Đường bộ hiện đã trình Bộ GTVT thẩm định phương án. Nếu được đồng ý, Tổng cục sẽ tiến hành khảo sát thiết kế, kiểm định, và đấu thầu rộng rãi. Dự kiến việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ được thi công và hoàn thành trong năm 2020 với chi phí đầu tư từ 180-200 tỷ đồng.
Rạn nứt trên mặt cầu Thăng Long từ năm 2009 tới nay.
Nếu được lựa chọn, đây sẽ là lần thứ 2 công nghệ Mỹ được lựa chọn áp dụng khắc phục hư hỏng mặt cầu Thăng Long. Trước đó vào năm 2009, cầu Thăng Long được Bộ GTVT chi tiền đại tu, thay mới toàn bộ lớp thảm mặt cầu ô tô, với chi phí 90 tỷ đồng, theo công nghệ Mỹ.
Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, lớp phủ mặt cầu đã hư hỏng, bong tróc, rạn nứt... Tình trạng này kéo dài tới nay.
Hồi giữa tháng 8 vừa qua, sau khi trực tiếp đi thị sát mặt cầu Thăng Long, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra cam kết, sẽ tìm giải pháp sửa chữa mặt cầu hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo độ bền từ 7-10 năm.
Trước đó, Bộ GTVT cũng mời chuyển gia Nga sang khảo sát và đưa ra giải pháp sửa chữa mặt cầu này, vì cầu được xây dựng dưới thời Liên Xô. Tuy nhiên, phía bạn chỉ đưa ra giải pháp cụ thể nếu ký hợp đồng tư vấn với Tổng cục Đường bộ, điều đã không xảy ra.