Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

F0 ở Hà Nội cao kỷ lục, bệnh nhân nặng tăng, bệnh viện lo quá tải

(VTC News) -

Lãnh đạo một số bệnh viện điều trị COVID-19 tại Hà Nội lo lắng khi ca COVID-19 tăng cao, bệnh nhân nặng nhiều lên, khiến việc điều trị quá tải.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ ngày 11/10 đến 18h ngày 13/12, Hà Nội ghi nhận gần 15.000 ca COVID-19. Riêng từ ngày 6 đến 13/12 thành phố thêm hơn 5.300 người, trung bình mỗi ngày thêm hơn 750 ca mới. Hôm qua 13/12, số ca COVID-19 chậm mốc 1.000 ca, dẫn đầu cả nước.

F0 tăng nhanh kéo theo ca bệnh mức độ trung bình, nặng/nguy kịch, phải thở oxy, thở máy không xâm lấn hay có xâm lấn đều tăng so với trung bình 7 ngày trước. Điều này khiến lãnh đạo các bệnh viện lo ngại hệ thống y tế quá tải.

(Nguồn: Sở Y tế Hà Nội)

Lo quá tải bệnh viện

Ông Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho hay, bệnh viện đang quá tải do bệnh nhân chuyển từ các tuyến về nhiều.

Đơn vị đang điều trị 190 bệnh nhân COVID-19 trên tổng số 200 giường được Sở Y tế Hà Nội giao. Nhưng do số bệnh nhân COVID-19 là người già và trẻ em cần có người nhà chăm sóc mới dẫn đến hiện tượng quá tải.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang hiện điều trị 193 F0, trong đó hơn 40 bệnh nhân nặng, gần 20 ca phải thở máy. Tuy hiện bệnh viện chưa xảy ra hiện tượng quá tải xong ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện cũng lo ngại về F0 tăng nhanh trong thời gian gần đây. “Nếu tốc độ F0 tăng ào ạt thì rất khó tránh hiện tượng quá tải”, ông Thường nói. Với F0 đến điều trị, qua quá trình khám sàng lọc nếu tình trạng nhẹ thì bệnh viện sẽ không tiếp nhận điều trị mà liên hệ tới các nơi khác để bệnh nhân được điều trị tại cơ sở y tế phù hợp.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn - cơ sở điều trị tuyến cuối của Hà Nội hiện có dấu hiệu quá tải ở tầng điều trị 1 và 2. Theo ThS.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch của bệnh này cho biết, theo phân công của Sở Y tế, bệnh viện có 100 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng đơn vị đang tiếp nhận tới gần 150 ca.

Điều trị bệnh nhân COVID-19. (Ảnh minh họa: SKĐS)

"Bệnh viện Thanh Nhàn đang quá tải bệnh nhân COVID-19. Tầng thứ 2 với gần 20 bệnh nhân chuyển nặng, khu vực tầng 3 40 bệnh nhân từ thở oxy cho đến can thiệp bằng máy thở. So với công suất được giao gấp 150%…”, bà Hường nói. Không chỉ vậy, dù đang trong tình trạng quá tải, nhưng mỗi ngày, tại Bệnh viện Thanh Nhàn vẫn có từ 20 đến 30 trường hợp đến khám sau khi có kết quả test nhanh dương tính tại nhà.

Ngoài Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội còn có 4 bệnh viện khác là cơ sở tuyến cuối của thành phố điều trị bệnh nhân COVID-19, là Bệnh viện Đức Giang, Đống Đa, Hà Đông và Bắc Thăng Long. Ở những bệnh viện này, giường điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng đang trong tình trạng kín chỗ.

Không riêng gì các cơ sở y tế của Hà Nội, là tuyến cuối trong điều trị bệnh COVID-19 của toàn miền Bắc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện cũng kín bệnh nhân.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 của bệnh viện với công suất 500 bệnh nhân đã kín bệnh nhân. Thời gian tới, bệnh viện vẫn có thể hỗ trợ Hà Nội tiếp nhận thêm những bệnh nhân nhẹ, trung bình. Nhưng nếu trường hợp ca bệnh tăng nhanh với số lượng lớn thì bệnh viện chỉ có thể tiếp nhận những ca nặng, nguy kịch.

“Là bệnh viện tuyến cuối nên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương sẽ tập trung điều trị cho những ca bệnh nặng, nguy kịch. Thời điểm này, tuy vẫn có thể hỗ trợ Hà Nội trong việc tiếp nhận những bệnh nhân nhẹ, trung bình nhưng theo tôi thời gian tới Hà Nội nên chủ động. Nghĩa là thành phố nên tính toán, dự trù xem nếu số ca COVID-19 tăng nhanh thì khối các bệnh viện tuyến trung ương sẽ gánh vác bao nhiêu bệnh nhân, còn cơ sở y tế Hà Nội sẽ gánh vác bao nhiêu. Bởi Nhiệt đới hay các bệnh viện trung ương khác có vai trò phối hợp với Hà Nội và địa phương khác về công tác điều trị dựa trên kế hoạch tổng thể của họ chứ không thể quyết định thay được”, BS Cấp nhấn mạnh.

F0 tăng là khó tránh khỏi

Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khi thành phố Hà Nội chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì số F0 tăng lên là "khó tránh khỏi” vì việc nới lỏng đồng nghĩa với việc người dân tiếp xúc, giao lưu nhiều, đi lại lớn… Đặc biệt nhiều F0 không triệu chứng, họ không biết mình nhiễm bệnh, vẫn đi lại nhiều nơi.

Dù Hà Nội đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng chúng ta cần cảnh giác vì dịch bệnh diễn biến khó lường. F0 nhiều trong cộng đồng, nên người dân phải thực hiện tốt 5K. Ngoài ra, mọi người không nên chủ quan cho rằng tiêm vaccine rồi thì buông trôi, thả lỏng vì trên thực tế, tiêm vaccine rồi vẫn có thể nhiễm bệnh và tử vong.

“Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phải kiểm soát có điều kiện vì với số F0 tăng như hiện nay, trong đó rất nhiều ca trong cộng đồng nếu không có giải pháp kiểm soát tốt, thì số ca mắc sẽ tiếp tục tăng, có thể lên hơn 1.000 ca/ ngày”, ông Phu nói.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng khẳng định, đi lại nới lỏng, kinh doanh, hoạt động sản xuất gần như mở trong khi các tỉnh, thành hầu hết đều có dịch, dịch ngoài cộng đồng vẫn còn nên việc lây nhiễm xảy ra là khó tránh.

Theo một chuyên gia khác, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội tăng lên những ngày qua đã được dự báo trước khi thành phố thực hiện thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh người từ khu vực khác di chuyển về Hà Nội nhiều.

Video: Bên trong cơ sở điều trị F0 tại quận nhiều ca COVID-19 nhất Hà Nội

540 F0 điều trị tại nhà 

Theo Sở Y tế Hà Nội, đến hết 13/12, thành phố đang điều trị cho 9.463 bệnh nhân COVID-19, trong đó 3.340 người đang cách ly, điều trị tại trạm y tế lưu động và tại nhà (chiếm hơn 35%). Số còn lại điều trị tại cơ sở thu dung điều trị COVID-19 và các bệnh viện Hà Nội, bệnh viện trung ương. 

Thành phố đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh. Hà Nội cũng thi công xong hệ thống oxy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí oxy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm để quản lý, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà.

Về F0 điều tra tại nhà, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc này được triển khai trên 30 quận, huyện, thị xã của thành phố. Các ngành liên quan đã khảo sát được 2,1 triệu hộ gia đình và gần 900.000 hộ gia đình đủ điều kiện theo dõi F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà. 

“Việc quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ không triệu chứng tại nhà rất cần sự giám sát của chính quyền địa phương để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bên cạnh đó cần phải tuyên truyền mạnh mẽ, đề nghị người dân nâng cao ý thức khi được điều trị tại nhà”, bà Trần Thị Nhị Hà nói.

Nhiều khu vực ở Hà Nội bị phong tỏa sau khi ghi nhận ca COVID-19. (Ảnh minh họa: Đức Huy/VTC News)

Phương án số ca F0 tăng 3.000 ca/ngày

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày; tiếp tục huy động sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập; chỉ đạo hoàn thành ngay cơ chế, chính sách để huy động lực lượng y, bác sỹ đã nghỉ hưu, lực lượng sinh viên ngành y tham gia hỗ trợ y tế tuyến cơ sở.

Thành phố tiếp tục tiêm vaccine mũi 1 cho những người chưa được tiêm, nhất là người có bệnh nền và học sinh cấp trung học cơ sở; tiêm mũi 2 cho học sinh trung học phổ thông đủ điều kiện và sẵn sàng tiêm mũi 3 cho đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về mua sắm và tiếp nhận hỗ trợ về thiết bị để bố trí xét nghiệm theo khu vực, bảo đảm trả kết quả nhanh; rà soát và bàn giao các cơ sở thu dung F0 thành phố quản lý cho các quận, huyện chưa có hoặc chưa đủ cơ sở thu dung vận hành phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. 

Cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống dịch bệnh ở mức độ cao hơn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Thanh Hải - Phạm Quý

Tin mới