Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ca COVID-19 liên tiếp lập kỷ lục mới, Hà Nội có đáp ứng được năng lực điều trị?

(VTC News) -

Liên tiếp 2 tuần gần đây, số ca COVID-19 ở Hà Nội liên tục tăng, cao điểm có ngày lên tới 1.000 ca, liệu thành phố có đáp ứng được năng lực điều trị?

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ ngày 11/10 đến 18h ngày 13/12, Hà Nội ghi nhận gần 15.000 ca COVID-19. Riêng từ ngày 6 đến 13/12 thành phố thêm hơn 5.300 người, trung bình mỗi ngày thêm hơn 750 ca mới. Hôm qua 13/12, số ca COVID-19 chậm mốc 1.000 ca, với F0 cộng đồng chiếm hơn 50%.

Hiện Hà Nội có hơn 9.000 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị. Số liệu thống kê tới ngày 13/12, gần 500 F0 điều trị tại nhà; gần 6.000 ca điều trị tại các bệnh viện/ cơ sở thu dung điều trị; số còn lại điều trị tại y tế cơ sở.

Số F0 tăng nhanh kéo theo ca bệnh mức độ trung bình, nặng/nguy kịch, phải thở oxy, thở máy không xâm lấn hay có xâm lấn đều tăng so với trung bình 7 ngày trước. Nhưng thực tế, nhân lực tại một trạm y tế ở Hà Nội chỉ dao động khoảng 5-10 người, quá ít so với khối lượng công việc đội ngũ phải gánh vác như điều tra dịch tễ, hướng dẫn cách ly, điều trị F0 tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị bệnh nhân...

F0 tăng là khó tránh khỏi

Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khi thành phố Hà Nội chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì số F0 tăng lên là "khó tránh khỏi” vì việc nới lỏng đồng nghĩa với việc người dân tiếp xúc, giao lưu nhiều, đi lại lớn… Đặc biệt nhiều F0 không triệu chứng, họ không biết mình nhiễm bệnh, vẫn đi lại nhiều nơi.

Dù Hà Nội đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng chúng ta cần cảnh giác vì dịch bệnh diễn biến khó lường. F0 nhiều trong cộng đồng, nên người dân phải thực hiện tốt 5K. Ngoài ra, mọi người không nên chủ quan cho rằng tiêm vaccine rồi thì buông trôi, thả lỏng vì trên thực tế, tiêm vaccine rồi vẫn có thể nhiễm bệnh và tử vong.

“Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phải kiểm soát có điều kiện vì với số F0 tăng như hiện nay, trong đó rất nhiều ca trong cộng đồng nếu không có giải pháp kiểm soát tốt, thì số ca mắc sẽ tiếp tục tăng, có thể lên hơn 1.000 ca/ ngày”, ông Phu nói.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng khẳng định, đi lại nới lỏng, kinh doanh, hoạt động sản xuất gần như mở trong khi các tỉnh, thành hầu hết đều có dịch, dịch ngoài cộng đồng vẫn còn nên việc lây nhiễm xảy ra là khó tránh.

Theo một chuyên gia khác, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội tăng lên những ngày qua đã được dự báo trước khi thành phố thực hiện thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh người từ khu vực khác di chuyển về Hà Nội nhiều.

Kích hoạt nhiều cơ sở thu dung, điều trị

Dự báo về tình hình dịch sắp tới ở Hà Nội hôm 9/12, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế cho biết, những ngày tới, số ca bệnh có thể tăng lên tới 1.000 ca/ngày. Theo chỉ đạo mới nhất của Thường trực Thành uỷ Hà Nội, thành phố sẽ xây dựng kịch bản ứng phó trong trường hợp F0 lên 2.000-3.000 ca/ngày; tiếp tục huy động sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập; huy động lực lượng y, bác sỹ đã nghỉ hưu, lực lượng sinh viên ngành y tham gia hỗ trợ y tế tuyến cơ sở.

Các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng đang chuẩn bị sẵn các tình huống đối phó với F0 được dự đoán trong thời gian tới.

Lực lượng y tế ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì ( Hà Nội) diễn tập vận hành trạm y tế lưu động. (Ảnh: Lê Bảo).

Tại quận Đống Đa, đang là quận “nóng” nhất của thủ đô với số lượng ca mắc cao hơn cả, để chủ động ứng phó với số ca COVID-19 có thể tăng cao trong thời gian tới, quận sẽ đưa vào hoạt động cơ sở thu dung điều trị F0 nhẹ với quy mô 600 giường đặt tại ký túc xá đại học Thủy Lợi.

Cơ sở thu dung điều trị F0 tại quận Đống Đa sẽ đi vào hoạt động từ chiều 14/12. Đây sẽ là nơi điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nhẹ, không triệu chứng không đủ điều kiện điều trị tại nhà.

Theo một cán bộ y tế quận Đống Đa, các đơn vị chức năng sẽ cử 11 cán bộ y tế tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân ở cơ sở thu dung. Để vận hành, ngoài lực lượng y tế còn có cả công an, quân đội, dân phòng tham gia với tổng số khoảng 50 người.

Quận Đống Đa sẽ lên phương án lập các cơ sở thu dung khác nếu số ca bệnh tiếp tục tăng nhanh.

Tại quận Hoàn Kiếm, nơi được coi là vùng lõi của thủ đô với diện tích hẹp, mật độ dân số tăng cao. Để chủ động trong công tác điều trị trong trường hợp số ca F0 tăng cao, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, quận đang và chuẩn bị đưa vào hoạt động 2 trạm y tế lưu động (Đồng Xuân, Hàng Thiếc).

Từ tối 13/12, Trung tâm giáo dục từ xa Nguyễn Văn Tố và trường tiểu học Quang Trung (số 9 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được trưng dụng để lắp ráp trạm y tế lưu động.

Những trạm này sẽ thu dung, khám, điều trị cho F0 không triệu chứng và mức độ nhẹ tại quận; phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh tiến triển ở mức độ vừa và nặng.

Theo kế hoạch, nếu cần thiết, quận có thể thành lập tới 38 Trạm y tế lưu động.

Trong khi đó, tại quận Hai Bà Trưng, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Quang Trung cho biết, quận sắp đưa vào vận hành cơ sở thu dung và điều trị F0 thể nhẹ tại ký túc xá Trường Đại học Xây dựng (phường Đồng Tâm) với quy mô 250 giường.

Cơ sở này các khu đón tiếp bệnh nhân, khu căng tin, khu làm việc của các y, bác sĩ với hệ thống camera giám sát cũng như hệ thống loa truyền thanh để theo dõi bệnh nhân.

Cũng theo chính quyện quận Hai Bà Trưng, qua rà soát, 30% hộ gia đình tại quận đủ điều kiện thực hiện cách ly F1, điều trị F0 tại nhà. Quận đang có khoảng 50 F0 đang điều trị tại nhà.

Trạm y tế lưu động số 1 tại Nhà thi đấu quận (thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ) với quy mô 300 giường cũng vừa được kích hoạt để tiếp nhận điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng. Cơ sở thu dung không tiếp nhận các trường hợp F0 là phụ nữ mang thai, người có bệnh nền.

Ngay khi kích hoạt, Trạm y tế lưu động số 1 phường Xuân La tiếp nhận quản lý, điều trị 45 F0.

Tương tự như với 4 quận Đống Đa, Tây Hồ, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng, hiện nhiều quận, huyện ở Hà Nội cũng đã, đang xây dựng những kế hoạch ứng phó cụ thể phòng trường hợp số ca F0 tại địa bàn quản lý có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) được phân công là tuyến cuối của thành phố trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Chủ động dự báo

Hiện Hà Nội có 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh. Thành phố cũng vừa thi công xong hệ thống oxy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí oxy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm quản lý, theo dõi, điều trị F0 tại nhà.

Dự kiến, Hà Nội sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, thu dung và điều trị F0 nhẹ không triệu chứng. Ngoài ra, Hà Nội cũng vừa ban hành hướng dẫn, phân tầng điều trị COVID-19 lần thứ 4.

Cụ thể, tầng thứ 2, dành cho trường hợp mức độ trung bình. Ở tầng thứ 3 - tầng cao nhất điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang chuyển đổi công năng, thành Trung tâm hồi sức COVID-19 quy mô 500 giường. Bên cạnh đó thành phố còn có các bệnh viện hạng 1, tuyến thành phố và Bệnh viện Đại học Y (cơ sở Hoàng Mai điều trị COVID-19) cũng thuộc tầng 3.

Tuy nhiên, Số ca mắc gia tăng là áp lực lớn đối với các cơ sở điều trị, gây quá tải bệnh nhân, có thể làm gia tăng số ca tử vong. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn - cơ sở điều trị tuyến cuối của Hà Nội hiện có dấu hiệu quá tải ở tầng điều trị 1 và 2. Theo ThS.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch của bệnh này cho biết, theo phân công của Sở Y tế, bệnh viện có 100 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng đơn vị đang tiếp nhận tới gần 150 ca.

"Bệnh viện Thanh Nhàn đang quá tải bệnh nhân COVID-19. Tầng thứ 2 với gần 20 bệnh nhân chuyển nặng, khu vực tầng 3 40 bệnh nhân từ thở oxy cho đến can thiệp bằng máy thở. So với công suất được giao gấp 150%…”, bà Hương nói. Không chỉ vậy, dù đang trong tình trạng quá tải, nhưng mỗi ngày, tại Bệnh viện Thanh Nhàn vẫn có từ 20 đến 30 trường hợp đến khám sau khi có kết quả test nhanh dương tính tại nhà.

Ngoài Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội còn có 4 bệnh viện khác là cơ sở tuyến cuối của thành phố điều trị bệnh nhân COVID-19, là Bệnh viện Đức Giang, Đống Đa, Hà Đông và Bắc Thăng Long. Ở những bệnh viện này, giường điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng đang trong tình trạng kín chỗ.

Không riêng gì các cơ sở y tế của Hà Nội, là tuyến cuối trong điều trị bệnh COVID-19 của toàn miền Bắc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện cũng kín bệnh nhân.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 của bệnh viện với công suất 500 bệnh nhân đã kín bệnh nhân. Thời gian tới, bệnh viện vẫn có thể hỗ trợ Hà Nội tiếp nhận thêm những bệnh nhân nhẹ, trung bình. Nhưng nếu trường hợp ca bệnh tăng nhanh với số lượng lớn thì bệnh viện chỉ có thể tiếp nhận những ca nặng, nguy kịch.

“Là bệnh viện tuyến cuối nên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương sẽ tập trung điều trị cho những ca bệnh nặng, nguy kịch. Thời điểm này, tuy vẫn có thể hỗ trợ Hà Nội trong việc tiếp nhận những bệnh nhân nhẹ, trung bình nhưng theo tôi thời gian tới Hà Nội nên chủ động. Nghĩa là thành phố nên tính toán, dự trù xem nếu số ca COVID-19 tăng nhanh thì khối các bệnh viện tuyến trung ương sẽ gánh vác bao nhiêu bệnh nhân, còn cơ sở y tế Hà Nội sẽ gánh vác bao nhiêu. Bởi Nhiệt đới hay các bệnh viện trung ương khác có vai trò phối hợp với Hà Nội và địa phương khác về công tác điều trị dựa trên kế hoạch tổng thể của họ chứ không thể quyết định thay được”, BS Cấp nhấn mạnh.

Phạm Quý - Thanh Hải

Tin mới