Theo Reuters, tập đoàn bất động sản China Evergrande của Trung Quốc ngày 17/8 đã nộp đơn xin phá sản lên tòa án Manhattan ở New York, bước chuẩn bị cho một cuộc tái cơ cấu nợ lớn nhất thế giới. Trong khi đó cuộc khủng hoảng Evergrande cũng như thị trường bất động sản đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc.
Từng là nhà phát triển bất động sản bán chạy nhất Trung Quốc, Evergrande đang làm xấu đi hình ảnh thị trường bất động sản của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau khi thông báo vỡ nợ vào năm 2021.
Xin bảo hộ phá sản sẽ giúp Evergrande tái cơ cấu lại một phần nợ nước ngoài ước tính 32 tỷ USD. (Ảnh: Reuters)
Hiện tại Evergrande đang xin được bảo hộ phá sản theo Chương 15 nhằm trao cho các chủ nợ nước ngoài quyền tham gia vào các vụ phá sản của Mỹ và cấm phân biệt đối xử đối với các chủ nợ nước ngoài đó.
Việc Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản cơ bản chỉ mới mang tính thủ tục và cần có sự chấp thuận của tòa án quận Manhattan.
Reuters dẫn lời hai nguồn tin giấu tên cho biết, Evergrande hiện đang nợ đến hơn 300 tỷ USD, việc xin bảo hộ phá sản là cách duy nhất giúp tập đoàn này tái cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài.
Hoạt động tái cấu trúc nợ nước ngoài của Evergrande sẽ nhắm vào số tiền 31,7 tỷ USD bao gồm trái phiếu, tài sản thế chấp trong tay các nhà đầu tư nước ngoài. Công ty này cũng sẽ có một cuộc họp với các chủ nợ để đưa ra các đề xuất về tái cơ cấu.
Nền kinh tế Trung Quốc và thị trường bất động sản của nước này chịu ảnh hưởng không nhỏ từ vụ vỡ nợ của Evergrande. Hàng loạt dự án bất động sản đắp chiếu, doanh số bán hàng của ngành giảm mạnh và các nhà đầu tư không có muốn rót vốn vào thị trường càng khiến cuộc khủng hoảng này thêm trầm trọng.
Reuters cho biết, Trung Quốc đang lo ngại khủng hoảng bất động sản sẽ lan rộng các các ngành khác có thể gây bất ổn cho nền kinh tế vốn đã suy yếu do giảm phát, hoạt động sản xuất đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Morgan Stanley tuần này đã theo chân một số công ty môi giới lớn trên thế giới cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay. Hiện tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 4,7% trong năm nay, giảm so với dự báo trước đó là 5%.
Trung Quốc đang nhắm mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay, nhưng ngày càng nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng họ có thể không đạt được mục tiêu trừ khi Bắc Kinh tăng cường các biện pháp hỗ trợ để ngăn chặn sự khủng hoảng.