Ngày 18/8, Reuter đưa tin tập đoàn Evergrande ngày 17/8 (theo giờ địa phương) đã nộp đơn theo Chương 15, Luật Bảo hộ Phá sản Mỹ. Động thái này sẽ cho phép một tòa án phá sản tại Mỹ vào cuộc khi có trường hợp mất khả năng thanh toán liên quan đến một quốc gia khác.
Tập đoàn Evergrande.
Phá sản theo Chương 15 trao cho các chủ nợ nước ngoài quyền tham gia vào các vụ phá sản của Mỹ và cấm phân biệt đối xử đối với các chủ nợ nước ngoài đó.
Đại diện pháp lý của Evergrande hiện không đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin trên.
Thông tin Evergrande đệ đơn xin bảo hộ phá sản được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể lan sang các bộ phận khác của nền kinh tế nước này khi tăng trưởng chậm lại.
Evergrande từng vỡ nợ năm 2021, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc, kéo dài đến hiện tại. Giữa tháng trước, tập đoàn này cũng công bố lỗ 81 tỷ USD trong hai năm 2021 và 2022. Theo Reuters tổng số nợ của Evergrande ước tính lên đến 330 tỷ USD.
Trong hồ sơ gửi lên tòa án phá sản Manhattan, Evergrande cho biết họ đang tìm kiếm các cuộc đàm phán nhằm tái cấu trúc lại công ty ở Hong Kong, Quần đảo Cayman và Quần đảo Virgin thuộc Anh.
Evergrande cũng đề xuất lên lịch điều trần trước tòa xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 vào ngày 20/9.
Trước đó, ngày 14/8, công ty xe điện China Evergrande New Energy Vehicle Group - công ty thành viên của Evergrande cũng thông báo kế hoạch tái cấu trúc của riêng công ty này.
Hiện tại cổ phiếu của Evergrande vẫn bị đình chỉ kể từ lệnh cấm vào tháng 3/2022.
Sau Evergrande, nhiều đại gia bất động sản khác tại Trung Quốc, như Kasia, Fantasia và Shimao Group cũng vỡ nợ. Mới đây nhất, hãng bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc - Country Garden - cảnh báo "đang cân nhắc nhiều phương án xử lý nợ khác nhau". Việc này làm dấy lên đồn đoán công ty này chuẩn bị tái cấu trúc nợ do khó huy động vốn.