"Về Myanmar, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 11 người liên quan đến cuộc đảo chính và trấn áp người biểu tình", đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nói khi tham dự cuộc họp các Ngoại trưởng EU tại Brussels (Bỉ).
Ông Borrell nói nói thêm rằng hình hình Myanmar đang ngày càng xấu đi.
Người biểu tình Myanmar dùng khiên khi đối đầu với cảnh sát. (Ảnh: Reuters)
Theo Reuters, tên của 11 quan chức bị áp lệnh trừng phạt sẽ được công bố sau khi các bộ trưởng chính thức quyết định.
EU dự kiến sẽ áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn nữa trong thời gian tới, như nhắm vào các doanh nghiệp do quân đội Myanmar điều hành.
EU hiện vẫn duy trì lệnh cấm vận vũ khí đối với Myanmar và áp đặt các biện pháp trừng phạt lên một số quan chức quân đội cấp cao của nước này kể từ năm 2018. Các biện pháp mới đây được xem là phản ứng mạnh mẽ nhất cho đến nay của EU kể từ sau cuộc chính biến ở quốc gia Đông Nam Á.
Tình hình bất ổn tại Myanmar bắt đầu hôm 1/2 sau khi xảy ra đảo chính quân sự. Kể từ đó các cuộc biểu tình lan rộng trên nhiều địa phương tại quốc gia Đông Nam Á. Quân đội và cảnh sát nước này triển khai các biện pháp mạnh tay, ngăn chặn người biểu tình.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị, khoảng 250 người thiệt mạng và hơn 2.600 người bị bắt, buộc tội hoặc kết án tù kể từ cuộc đảo chính hôm 1/2.