Hôm 5/5, Trung tâm Myanmar về Trách nhiệm Kinh doanh (MCRB), tổ chức ủng hộ nhân quyền trong doanh có trụ sở tại Yangon, tuyên bố: "Với tư cách là nhà đầu tư, chúng tôi 'chia sẻ không gian sống' với người dân Myanmar, bao gồm các tổ chức xã hội dân sự, trong đó tất cả đều được hưởng lợi từ việc tôn trọng nhân quyền, dân chủ và các quyền tự do cơ bản, trong đó có tự do ngôn luận và lập hội nhóm, luật pháp".
Nikkei Asia cho hay, hoạt động thu thập chữ ký của MCRB bắt đầu từ hồi tháng 2 nhưng có rất ít công ty tham gia. Điều này chỉ được thay đổi sau sự kiện 18 người biểu tình chết vào tuần trước. Theo đó, chính phủ và các doanh nghiệp nước ngoài mới lên tiếng phản đối mạnh mẽ đảo chính ở Myanmar.
Gần 50 doanh nghiệp nước ngoài tại Myanmar lên án đảo chính quân sự. (Ảnh: Reuters)
Hôm 5/3, Nishimura & Asahi - một trong bốn công ty luật lớn của Nhật Bản là công ty mới nhất tham gia ký vào tuyên bố MCRB. Cùng ngày, các phòng thương mại nước ngoài ở Yangon đại diện cho các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu đưa ra một tuyên bố chung, cho biết họ sẽ không gặp chính quyền quân sự bất chấp lời mời hội đàm từ các quan chức quân sự Myanmar.
Trong khi đó, các quốc gia như Mỹ, Anh, Canada đã áp lệnh trừng phạt một số quan chức quân đội Myanmar. Tuyên bố của MCRB cho hay, 49 công ty nước ngoài cam kết tuân thủ các biện pháp trừng phạt và thẩm định về nhân quyền cũng như minh bạch trong hoạt động kinh doanh tại quốc gia Đông Nam Á này.
Tuyên bố của MCRB được đưa ra trong bối cảnh áp lực quốc tế đối với các doanh nghiệp đang gia tăng. Hôm 3/3, Ngân hàng trung ương Na Uy cho biết sẽ đặt tập đoàn giải khát Nhật Bản Kirin dưới sự giám sát vì liên kết với công ty thuộc kiểm soát bởi quân đội Myanmar.
Trong số các công ty ký vào tuyên bố của MCRB, có Coca-Cola, Facebook, H&M, Heineken, Nestle và Unilever, Adidas, Carlsberg, L'Oreal, Maersk, Metro và Total…
MCRB là tổ chức phi chính phủ, được thành lập năm 2013 theo sáng kiến của Viện Nhân quyền và Kinh doanh. MCRB có quyền tham vấn đặc biệt với Liên Hợp Quốc và Viện Nhân quyền Đan Mạch.
Bất ổn tại Myanmar bắt đầu sau khi quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các quan chức cấp cao hôm 1/2, với lý do cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020. Sau đảo chính, phong trào biểu tình quy mô lớn, lan rộng khắp cả nước, với hàng trăm nghìn người đổ xuống đường mỗi ngày phản đối đảo chính và chính quyền quân sự.
Theo các số liệu Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, ít nhất 54 người thiệt mạng kể từ khi đảo chính nổ ra hôm 1/2 và hơn 1.700 người bị quân đội Myanmar bắt giữ một cách tùy tiện, các vụ bắt giữ tiếp tục gia tăng.