Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

EU điều tra Temu của Trung Quốc: Nghi 'gây nghiện' cho người dùng

(VTC News) -

Liên minh châu Âu (EU) nghi ngờ Temu chưa kiểm soát được sản phẩm bất hợp pháp và cách thức hoạt động của nền tảng có thể gây nghiện cho người dùng.

Ngày 31/10, Liên minh châu Âu (EU) mở cuộc điều tra đối với Temu của Trung Quốc vì nghi sàn thương mại điện tử hành động chưa đủ để ngăn chặn tình trạng sản phẩm bất hợp pháp và cách thức hoạt động của nền tảng có thể "gây nghiện" cho người dùng.

Cuộc điều tra được thực hiện dựa trên Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của Ủy ban Châu Âu (EC), đạo luật trao cho Ủy ban này quyền lực rộng lớn để kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp trực tuyến hoạt động trong khối 27 thành viên, qua đó đem lại không gian lành mạnh cho người dùng.

Nếu bị kết tội, Temu có thể phải chịu mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu hàng năm của công ty.

EU nghi Temu chưa ngăn chặn được sản phẩm bất hợp pháp và nền tảng có thể gây nghiện cho người dùng. (Ảnh: SCMP)

EC yêu cầu Temu cung cấp thêm thông tin về những nỗ lực ngăn chặn việc bán hàng hóa bất hợp pháp trên nền tảng này trong vài tháng gần đây. Ủy ban cũng yêu cầu thông tin về “về "rủi ro liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng và phúc lợi của người dùng".

Dựa trên phản hồi của Temu, ủy ban đã quyết định tiến hành một cuộc điều tra chuyên sâu.

Cuộc điều tra sẽ đánh giá những nỗ lực của Temu nhằm "hạn chế việc bán các sản phẩm không tuân thủ quy định" tại EU, bao gồm các nỗ lực nhằm ngăn chặn sự tái xuất của những thương nhân đã bị đình chỉ vì bán các mặt hàng bất hợp pháp trong quá khứ.

EC cũng đánh giá mức độ gây nghiện của Temu, bao gồm các chương trình đổi thưởng như trò chơi, mà theo ủy ban là "có thể gây hậu quả tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người dùng".

Ủy ban còn điều tra cách thức nội dung và sản phẩm được đề xuất cho người dùng trên nền tảng Temu. DSA quy định, công ty phải nêu rõ cách thức thực hiện các đề xuất này và cho phép người dùng từ chối chập nhận các đề xuất.

Cuối cùng, cuộc điều tra sẽ xem xét cách Temu cấp cho các nhà nghiên cứu quyền truy cập vào dữ liệu công ty, một nguyên tắc khác của DSA. Temu được chỉ định là "nền tảng trực tuyến rất lớn" vào ngày 31/5.

Cuộc điều tra không có thời hạn, nhưng có thể có hành động chống lại Temu  nếu công ty không tuân thủ các yêu cầu của ủy ban. Cuộc điều tra cũng không loại trừ khả năng mở các cuộc điều tra riêng biệt, dù là do Brussels hay các cơ quan cấp quốc gia trong EU tiến hành.

Margrethe Vestager, giám đốc phụ trách cạnh tranh của EU, cho biết: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Temu tuân thủ DSA, đặc biệt là đảm bảo các sản phẩm được bán trên nền tảng đáp ứng các tiêu chuẩn của EU và không gây hại cho người tiêu dùng”.

Bà nói thêm: “Đạo luật đảm bảo một sân chơi bình đẳng và mọi nền tảng, bao gồm Temu, đều phải tôn trọng đầy đủ các luật lệ giúp thị trường châu Âu của chúng tôi an toàn và công bằng cho tất cả mọi người”.

Phía Temu khẳng định tuân thủ quy định của DSA, cam kết "hợp tác toàn diện với các cơ quan quản lý để hỗ trợ mục tiêu chung là tạo ra một thị trường an toàn, đáng tin cậy cho người tiêu dùng".

Rẻ và thiếu an toàn

Các nguồn tin của EU cho biết họ đang hành động nhanh chóng vì sự tăng trưởng chóng mặt của Temu, cùng với sàn thương mại thời trang nhanh của Trung Quốc Shein.

Brussels nghi ngờ do tốc độ tăng trưởng quá nhanh, các nền tảng này chưa thể thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ cần thiết theo đạo luật DSA, khiến các nhà lập pháp cân nhắc việc hạn chế dòng hàng hóa. Ngoài vấn đề an toàn và chất lượng, một số chính phủ còn lo ngại các nền tảng này đang gây bất lợi cho cạnh tranh trong nước.

Vào tháng 9, chính phủ các nước Đức, Pháp, Ba Lan, Áo, Đan Mạch và Hà Lan đã thúc giục ủy ban sử dụng DSA để ngăn chặn sự gia tăng lượng hàng nhập khẩu giá trị thấp.

Philippe Wahl, Tổng giám đốc điều hành của công ty bưu chính Pháp La Poste, cho biết: “Mỗi ngày, có hàng trăm bưu kiện chủ yếu đến từ Trung Quốc với những mặt hàng không tuân thủ thường xuyên các quy tắc của thị trường EU”.

Đầu năm nay, một báo cáo từ Toy Industries of Europe (TIE), tự coi mình là “tiếng nói của các nhà sản xuất đồ chơi có uy tín” trong khối, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính an toàn của đồ chơi trẻ em mua từ Temu.

“TIE đã mua 19 đồ chơi từ chợ trực tuyến Temu. Không có đồ chơi nào tuân thủ đầy đủ luật pháp EU và 18 đồ chơi gây ra rủi ro an toàn thực sự cho trẻ em”, báo cáo viết,  liệt kê các nguy cơ “đứt tay, ngạt thở, siết cổ, đâm chọc và hóa chất” là những mối nguy hại chính từ 19 sản phẩm.

Temu khẳng định chất lượng sản phẩm và sự an toàn của người tiêu dùng là “ưu tiên hàng đầu” của công ty. "Tất cả các thương gia trên nền tảng của chúng tôi phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Các biện pháp kiểm soát chất lượng của chúng tôi bao gồm yêu cầu lập tài liệu phù hợp, tiến hành kiểm tra tại chỗ và liên tục giám sát nền tảng".

Công ty cho biết thêm: “Chúng tôi hành động nhanh chóng theo phản hồi, thực hiện hành động kịp thời để loại bỏ các sản phẩm không tuân thủ quy định và giải quyết mọi vấn đề. Chúng tôi cam kết liên tục cải thiện quy trình của mình để đảm bảo người tiêu dùng có thể an tâm mua sắm”.

Vào tháng 3, AliExpress trở thành nền tảng trực tuyến đầu tiên bị điều tra theo đạo luật DSA, với việc ủy ​​ban điều tra "phát tán nội dung bất hợp pháp" trên nền tảng này. AliExpress là công ty con của Alibaba.

EC cho biết cả AliExpress và Temu đều "phản hồi rất tích cực" các thắc mắc của họ.

Hoa Vũ

Tin mới