Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Siết chặt quản lý các nền tảng thương mại điện tử Temu, Shein, 1688

(VTC News) -

Bộ Công Thương ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới: Temu, Shein, 1688.

Thời gian gần đây, các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… thực hiện các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương, thu hút sự chú ý lớn của người tiêu dùng tại Việt Nam, và trở thành chủ đề nóng trên nhiều phương tiện truyền thông.

Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thực thi pháp luật, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688…

Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thực thi pháp luật đối với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. (Ảnh minh hoạ).

“Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT. Thời gian thực hiện trong tháng 10/2024”, văn bản của Bộ Công Thương chỉ rõ.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tham mưu cho lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn TMĐT chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Đơn vị cũng cần chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.

Các đơn vị cần tập trung triển khai hiệu quả Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm như: phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chuyển đổi số chợ truyền thống, hỗ trợ các tiểu thương tạo thêm kênh bán hàng mới (bán hàng hợp kênh - cả online và offline) để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa trong nước.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổng kết, đánh giá Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, từ đó xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2026 - 2030, tạo tiền đề để tiếp tục định hướng phát triển TMĐT trong thời gian tới.

Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp thường xuyên với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký.

Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia chủ trì, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới. 

Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng TMĐT xuyên biên giới hoạt động trái phép.

Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với Tổng cục Hải quan đề xuất phương án kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thông qua kênh TMĐT.

Cục Xúc tiến thương mại chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất phương án xử lý đối với những hình thức khuyến mại không tuân thủ quy định của pháp luật đối với các nền tảng TMĐT.

Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá tác động đối với thị trường trong nước (nếu có) khi hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua các nền tảng TMĐT xuyên biên giới; Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, thúc đẩy sản xuất trong nước.

PHẠM DUY

Tin mới