Sản phụ 21 tuổi, trú tại tỉnh Phú Thọ, mang thai lần 1. Suốt quá trình thai nghén, sản phụ được khám, chẩn đoán và quản lý tại khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa thị xã Phú Thọ.
Trong quá trình theo dõi, các bác sĩ phát hiện thai nhi có dây rốn quấn cổ. Khi thấy thai nhi bị quấn tới 5 vòng, có hiện tượng cạn ối, nhận định tình hình nghiêm trọng nên các bác sĩ chỉ định mổ lấy thai ở tuổi thai 37 tuần 5 ngày.
Ca phẫu thuật thành công, bé sơ sinh nặng gần 3kg hồng hào, khỏe mạnh chào đời. Sau mổ, sức khỏe sản phụ và em bé đều ổn định.
Em bé có 5 vòng dây rốn quấn cổ "hiếm gặp" chào đời an toàn. (Ảnh: BVCC)
Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cũng tiếp nhận trường hợp sản phụ 24 tuổi, được phát hiện dây rốn quấn cổ thai nhi từ tuần thai 32, phải theo dõi thường xuyên. Khung chậu của người mẹ hẹp, bác sĩ tiên lượng không thể sinh thường nên chỉ định mổ bắt con ở tuần 39.
Bé trai chào đời khỏe mạnh, nặng 2,7 kg, khóc to, được bác sĩ tháo dây rốn xoắn ngay khi lọt lòng. Sau mổ, sức khỏe sản phụ và em bé đều ổn định.
Dây rốn là sợi dây liên kết giữa mẹ và thai nhi, độ dài trung bình khoảng 50-60 cm. Các bác sĩ lý giải hiện tượng dây rốn quấn cổ thai nhi là do sự chuyển động quá mức của bé trong bụng mẹ ở những tháng đầu thai kỳ. Yếu tố khách quan khác như dây rốn dài hơn bình thường, nhiều nước ối, đa thai cũng có thể làm tăng nguy cơ dây rốn quấn cổ.
Đa số trường hợp dây rốn quấn cổ em bé trong bụng mẹ thường không gây biến chứng sau sinh. Một số trường hợp, dây rốn quấn cổ nhiều vòng có thể cản trở quá trình sinh con qua ngả âm đạo, đa thai, bất thường dây rốn.
Y văn ghi nhận cứ ba trẻ chào đời thì có một trường hợp bị dây rốn quấn cổ. Thường trẻ chỉ bị quấn một, hai vòng. Tại Việt Nam, trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn cổ từ ba vòng trở lên tương đối hiếm gặp.
Tình trạng thai nhi có dây rốn quấn cổ có thể được phát hiện khi siêu âm thai, nhưng không phải là chỉ định mổ lấy thai. Thai phụ không nên quá lo lắng, chỉ cần theo dõi chặt chẽ thai nhi. Tình trạng dây rốn quấn cổ thai nhi cũng có thể hết khi em bé có các xoay trở tự tháo quấn.
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, các bác sĩ khuyến cáo thai phụ cần khám thai định kỳ và quản lý thai nghén ở các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và có phương án xử trí kịp thời trước các tai biến sản khoa có thể xảy ra.