Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đức Phật ra đời ở đâu?

(VTC News) -

Nơi đản sinh của Đức Phật Thích Ca được cho là không thuộc lãnh thổ Ấn Độ ngày nay; tuy là hoàng tử nhưng ngài cũng không được sinh ra trong cung điện.

Ngày rằm tháng tư âm lịch hằng năm là ngày kỷ niệm sự ra đời của Đức Phật (đại lễ Phật đản).

Đức Phật đản sinh ở đâu?

Nhiều người vẫn nghĩ Đức Phật ra đời ở Ấn Độ. Điều này có đúng không?

Đức Phật vốn là thái tử của vua Tịnh Phạn (Suddhodana), người đứng đầu tiểu quốc Thích Ca (Shakya) nằm ở vùng biên giới Ấn Độ - Nepal ngày nay, có kinh đô là Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Mẹ ngài là hoàng hậu Ma Da (Maya). Shakya là một thuộc quốc chịu ảnh hưởng của nước Kosala (thuộc 16 vương quốc lớn nhất trong hàng trăm tiểu quốc trên địa phận bán đảo Ấn Độ thời cổ đại).

Vậy vương quốc của vua Tịnh Phạn nằm ở đâu trên bản đồ hiện đại? Nhiều nhà khảo cổ xác định thành Kapilavastu  nằm tại ngôi làng Tilaurakot, thuộc huyện Kapilvastu, Nepal ngày nay. Một số nhà khảo cổ khác cho rằng thành này nằm tại làng Piprahwa, thuộc huyện Siddharth Nagar, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ ngày nay. Cả hai địa điểm này đều có nhiều tàn tích khảo cổ có niên đại từ thời Phật tại thế.

Theo một số học giả, vùng kiểm soát của tiểu quốc Shakya có thể bao trùm cả 2 địa điểm trên. Tuy nhiên, đa số học giả ủng hộ quan điểm thành Kapilavastu cổ nằm ở Nepal.

Còn vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini), được cho là nơi Đức Phật ra đời, là địa điểm hành hương nổi tiếng nằm tại huyện Rupandehi, tỉnh số 5 của Nepal.

Đức Phật đản sinh thế nào?

Hoàng hậu Ma Da, vợ vua Tịnh Phạn, cũng là em con chú của ông. Họ lấy nhau đã 20 năm vẫn chưa có con. Theo truyền thuyết, vào một đêm trăng tròn, hoàng hậu nằm mơ được 4 thiên thần chở đến hồ Anotatta bên dãy Himalaya. Bà tắm trong hồ này và được các thiên thần mặc cho bộ quần áo của cõi trời, xức dầu thơm, trang điểm bằng những bông hoa tuyệt đẹp.

Theo các truyền thuyết Phật giáo, Đức Phật được sinh ra dưới một cây sala, vừa ra đời đã biết đi, biết nói.

Sau đó, một con voi trắng (biểu tượng thiêng liêng đối với người Ấn Độ cổ đại) dùng vòi nâng một bông hoa sen trắng xuất hiện, đi vòng quanh hoàng hậu 3 lần rồi đi vào bụng bà và biến mất. Từ hôm đó hoàng hậu mang thai. 

Sau 10 tháng thai nghén, gần đến ngày sinh (được cho là vào năm 624 hoặc 563 trước Công nguyên), theo phong tục, hoàng hậu Ma Da phải trở về nhà ngoại ở tiểu quốc Kolia để sinh nở. Trên đường, bà cho dừng kiệu rồi đi bộ dưới bóng cây sala trong vườn Lâm Tỳ Ni. Cơn đau chuyển dạ nổi lên, bà sinh Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha - nghĩa là toại nguyện) tại đây, khi đang đứng vịn vào một cành sala. Truyền thuyết kể rằng đứa trẻ bước ra từ bên hông phải của người mẹ vào rạng sáng ngày mồng 8 tháng Tư âm lịch theo Phật giáo Bắc tông hoặc vào ngày trăng tròn tháng Vesak theo Phật giáo Nam tông.

Một số truyền thuyết cũng cho rằng hoàng hậu đã tắm cho con trai mới sinh trong một cái ao gần đó. Truyền thuyết khác lại kể, các vị thần đã tạo ra mưa để tắm cho thái tử nhỏ. 

Tương truyền, khi Đức Phật đản sinh, ngài đi thiền hành 7 bước, dưới mỗi bước chân nở ra một đóa hoa sen. Đến bước thứ bảy, ngài dừng lại, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, tuyên bố: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.

Sau khi sinh con 7 ngày, hoàng hậu Ma Da qua đời. Em gái bà nối duyên với vua Tịnh Phạn, thay chị nuôi dạy thái tử khôn lớn. Để có thể hết lòng với con trai của người chị quá cố, bà gửi con ruột mình là Nanda cho một vú nuôi chăm sóc.

Những sự lạ thời thơ ấu của Đức Phật

Các kinh sách kể lại, hồi thái tử của vua Tịnh Phạn mới ra đời, đạo sĩ nổi tiếng A Tư Đà (Asita) xin vào thăm. Vua sai bế con trai ra đảnh lễ đạo sĩ, nhưng không ngờ, đứa trẻ chủ động quay về phía A Tư Đà và đặt hai chân lên đầu ông. Đạo sĩ đang ngồi trên ghế vội bật dậy, chắp tay chào hoàng tử và nói lời tiên tri rằng về sau, hài nhi này sẽ trở thành vĩ nhân cao quý nhất nhân loại. Nghe vậy, vua cha cũng làm lễ vái chào con mình.

Sau đó, đạo sĩ bật khóc, hết khóc lại cười. Mọi người hỏi tại sao thì ông nói, ông mừng vì sau này hoàng tử sẽ đắc quả Phật, và khóc vì biết mình không sống được đến ngày ấy để được thọ giáo với Phật.

Tranh vẽ cảnh vua Tịnh Phạn đảnh lễ với con trai mình trong ngày lễ hạ điền.

Một hôm, trong ngày lễ hạ điền, vua và quần thần áo mặc chỉnh tề, ra nơi hành lễ. Hoàng tử bé Siddhattha cũng được cung nữ đặt trong một cái kiệu, để dưới bóng mát một cây trâm. Thấy ai nấy vui vẻ xem lễ, các cung nữ trông nom thái tử cũng chạy đi xem, thế là dưới bóng cây tĩnh lặng, Siddhattha bắt tréo hai chân ngồi  theo lối kiết già, chăm chú theo dõi hơi thở vào ra… và đắc Sơ thiền. Các cung nữ nhớ ra nhiệm vụ, quay lại nhìn thấy cảnh ấy bèn báo đức vua. Vua Tịnh Phạn đến trước mặt hoàng tử đang tham thiền, vái chào và nói: "Này con yêu quý, đây là lần thứ hai, phụ vương đảnh lễ con".

Nhiều năm sau này, vua Tịnh Phạn còn có lần đảnh lễ thứ ba với con trai mình, đó là khi Thái tử Tất Đạt Đa đã chứng ngộ đạo quả, trở thành Phật và trở về thăm gia quyến.

Vi Huyền

Tin mới