Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dự báo 2021: Kinh tế toàn cầu 'âm u' đầu năm, tăng trưởng cuối năm

(VTC News) -

Theo dự báo của tổ chức phân tích IHS Markit, kinh tế thế giới sẽ vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn, song tăng trưởng kinh tế sẽ diễn ra vào 6 tháng cuối năm 2021.

Năm 2020, nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt cuộc suy thoái sâu nhất trong 74 năm, khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của loài người. Suy thoái chưa từng có do tác động của đại dịch có thể được nhìn thấy ở phạm vi địa lý, lĩnh vực, ngành nghề…

Trong khi dịch COVID-19 được dự báo sẽ tiếp tục lây lan, sự phát triển và triển khai nhanh chóng của vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 sẽ cho phép chuyển đổi sang một nền kinh tế mới sau đại dịch. Do đó, loài người tiến đến năm 2021 với sự thận trọng và hy vọng.

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng nửa cuối 2021

Theo dự báo của IHS Markit (tổ chức hàng đầu trên thế giới về cung cấp thông tin, phân tích thông tin), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế thế giới sẽ đối mặt nhiều thách thức, tốc độ tăng trưởng thấp trong giai đoạn đầu năm 2021 song những tín hiệu khởi sắc sẽ xuất hiện vào 6 tháng cuối năm.

Công nhân sản xuất tại một phân xưởng ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Những yếu tố được xem là trở ngại đối với nền kinh tế như đóng cửa biên giới, phong tỏa đất nước vốn được áp dụng mạnh mẽ trong thời gian gần đây để ngăn chặn lây lan dịch COVID-19 sẽ tiếp diễn vào đầu năm 2021. Điều này kéo dài sự thận trọng của người tiêu dùng và doanh nghiệp, giảm hỗ trợ tài chính, và gia tăng nợ công và nợ tư nhân.

Tuy nhiên, sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế cũng như các loại vaccine được tung ra thị trường sẽ dần mở ra một làn sóng chi tiêu mới cho lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Sau khi giảm 4,2% vào năm 2020, GDP thế giới toàn cầu được dự kiến ​​sẽ tăng khoảng 4,6% vào năm 2021.

Kinh tế Mỹ đã phục hồi một phần sau thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái năm 1930. Tuy nhiên, trước làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới, khả năng tái áp đặt các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh và các biện pháp cứu trợ không đủ mạnh đang đe dọa, làm suy yếu mức tăng trưởng đầu năm 2021. IHS Markit cho rằng, tiến bộ nhanh chóng trong việc phát triển vaccine COVID-19 sẽ thúc đẩy sự gia tăng GDP của Mỹ trong 6 tháng cuối năm 2021.

Trong khi đó, kinh tế của Trung Quốc được dự báo tăng trưởng với tốc độ cao nhất trong nhiều năm gần đây, song sự phục hồi của nền kinh tế nhìn chung vẫn còn yếu. Sự ra mắt dự kiến ​​của vaccine COVID-19 cũng như nền tảng có sẵn sau khi kiểm soát được dịch bệnh sẽ giúp cho kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,5% vào năm 2021, mức cao nhất kể từ năm 2013.

Theo IHS Markit, tốc độ tăng trưởng hàng năm trong năm 2021 của kinh tế các quốc gia châu Âu sẽ không đạt được kỳ vọng. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục hoành hành, các biện pháp phòng dịch được áp đặt, khiến cho tăng trưởng kinh tế của châu Âu trong quý IV của năm 2020 yếu. Các biện pháp phòng dịch cũng sẽ ảnh hưởng, cản trở sự phục hồi vào đầu năm 2021.

Mặc dù việc tiêm vaccine trên diện rộng ở toàn châu Âu vào giữa năm 2021 được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song sự chững lại của các hoạt động kinh doanh cũng như tỷ lệ thất nghiệp cao được cho sẽ kìm hãm kinh tế các nước châu Âu trong năm 2021.

Sau khi ước tính giảm 7,5% vào năm 2020, GDP thực tế của khu vực đồng euro dự kiến ​​sẽ tăng khoảng 3,5% vào năm 2021. Tuy nhiên, mức tăng trưởng trở lại như trước đại dịch sẽ không được mong đợi cho đến cuối năm 2022.

Sự suy yếu của đồng USD

Đồng USD dự kiến ​​sẽ suy yếu vào năm 2021 do phản ứng từ sự điều chỉnh chính sách tiền tệ mạnh mẽ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong năm 2020, sự gia tăng khả năng chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư và thâm hụt thương mại ngày càng lớn.

IHS Markit cho rằng, chính sách tiền tệ của Ngân hàng châu Âu (ECB) nên dựa vào sự tăng giá đáng kể của đồng euro, mặc dù sự suy yếu của đồng USD ​​và thặng dư tài khoản vãng lai tiếp tục cao có thể dẫn đến rủi ro đối với đồng euro.

Trong khi đó, đồng yên Nhật sẽ được hưởng lợi từ việc tăng cường xuất khẩu và lạm phát tương đối thấp. Còn đồng nhân dân tệ sẽ được hỗ trợ bởi nền kinh tế đang tăng tốc của Trung Quốc. Biến động tiền tệ, sự thay đổi của tỉ giá hối đoái tại các nền kinh tế lớn sẽ ít xẩy ra hơn so với các thị trường mới nổi.

Bên cạnh đó, các cải cách quy định sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã mang lại nguồn vốn hỗ trợ lớn hơn đáng kể và cải thiện điều kiện thanh khoản giữa các ngân hàng toàn cầu. Trong bối cảnh đại dịch, các ngân hàng cũng đã có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với thách thức từ sự gia tăng làn sóng phá sản doanh nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Nhiều người Hàn Quốc trở lại nơi làm việc sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. (Ảnh: Reuters)

Nới lỏng các biện pháp phòng dịch

Trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục đeo đuổi nhân loại, các phương pháp điều trị và việc tiêm chủng vaccine sẽ được phổ biến rộng rãi cho các quốc gia vào giữa năm 2021, được cho sẽ tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế sau đại dịch.

Nhiều loại vaccine sẽ được tung ra thị trường thời gian tới, chiến dịch tiêm chủng toàn cầu đầy tham vọng sẽ được thực hiện vào nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 rất khó biến mất trong năm 2021 và nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn hiện hữu.

Với sự phát triển của các phương pháp điều trị mới, trong khi các hệ thống theo dõi và truy vết người nhiễm bệnh, người tiếp xúc với người nhiễm bệnh được cải tiến… sẽ đảm bảo cho công tác phòng dịch. Do đó, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt vốn được áp dụng trong năm 2020 sẽ không còn cần thiết. Điều đó mở ra các cơ hội mới cho phát triển kinh tế thế giới trong năm 2021.

Theo IHS Markit, nửa cuối năm 2020, giá cả hàng hóa tăng mạnh nhờ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và điều này sẽ tiếp tục trong năm 2021. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ từng bước được giải quyết. Khi đó, các ngành hàng hóa có thể sẽ được điều tiết để phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Cũng theo IHS Markit, trong năm tới, trọng tâm của các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách sẽ chuyển từ phát triển kinh tế gắn với đại dịch COVID-19 sang xu hướng phát triển liên kết bền vững.

Kông Anh

Tin mới