Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại dịch COVID-19 sẽ chấm dứt trong năm 2021?

(VTC News) -

Đại dịch COVID-19 nhấn chìm năm 2020 với những tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống loài người, vậy liệu sau khi có vaccine, dịch bệnh sẽ được kiểm soát?

Năm 2020, thế giới bị đảo lộn bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với triển vọng của một số loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 được tung ra thị trường, trong khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh dần được nới lỏng, nhiều chuyên gia cho rằng có thể năm 2021 sẽ trở lại thời kỳ bình thường.

Trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 thứ hai đang tấn công châu Âu, Mỹ đang gồng mình chống chọi với làn sóng thứ ba và Hong Kong đối mặt với làn sóng thứ tư, các chuyên gia nhận định không thể loại trừ khả năng các trường hợp nhiễm bệnh tái phát nhiều hơn và nhiều ca thiệt mạng khi năm 2021 bắt đầu.

Đại dịch COVID-19 hoành hành, tác động sâu rộng đến đời sống thế giới năm 2020. (Ảnh: Reuters)

Cuộc đua vaccine khốc liệt

Dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới với tổng số ca nhiễm ngày một tăng vọt. Câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay là đến khi nào dịch bệnh này sẽ kết thúc? Tuy nhiên, không ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác.

Các chuyên gia dự báo đời sống kinh tế và hoạt động giao lưu xã hội diễn ra song song với dịch bệnh sẽ trở thành trạng thái bình thường mới của thế giới, ngoại trừ có sự ra đời của vaccine thực sự an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả.

Do  đó, các thông tin liên quan đến việc nghiên cứu và phát triển vaccine hiện nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của thế giới. Đến nay, các nước lớn trên thế giới đều đang tìm mọi cách để nghiên cứu và phát triển vaccine, bởi sự đột phá và đi đầu trong vấn đề này không chỉ mang lại danh tiếng và lợi nhuận, mà còn có thể làm thay đổi nhịp điệu, thậm chí xu hướng phát triển của xã hội loài người.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, có 31 quốc gia trên thế giới tham gia nghiên cứu phát triển vaccine ngừa COVID-19. Trong đó, 22% số nhóm nghiên cứu phát triển vaccine đến từ Mỹ, 11% đến từ Trung Quốc và 8% đến từ Nga.

Các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh cùng nhiều nước đang nỗ lực hết sức để đầu tư vào nghiên cứu phát triển vaccine. Một loại vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả sẽ là chìa khóa bảo vệ vận mệnh của hàng tỷ người trên thế giới. Sau nhiều tháng nỗ lực, hoạt động nghiên cứu và phát triển vaccine ở nhiều quốc gia đã đạt được những bước tiến nhảy vọt.

Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố sản xuất thành công vaccine COVID-19 có tên Sputnik V. Vaccine này do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya phát triển, cho thấy hiệu quả 91,4% theo dữ liệu sơ bộ thử nghiệm giai đoạn cuối. Đầu tháng 10, Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục phê duyệt khẩn cấp vaccine EpiVacCorona. 60.000 liều vaccine đầu tiên sẽ sớm ra mắt thị trường.

Công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức đang giữ vị trí dẫn đầu trong cuộc đua vaccine COVID-19 trên thế giới sau khi một loạt nước phê duyệt và nhiều nước hoàn tất quy trình đánh giá. Pfizer/BioNTech là đơn vị đầu tiên trên thế giới công bố toàn bộ dữ liệu thử nghiệm vaccine COVID-19.

Pfizer và Moderna được cho là đang dẫn đầu cuộc đua phát triển, phân phối vaccine COVID-19. (Ảnh: Businesstoday)

Hôm 3/12, Anh là nước đầu tiên trên thế giới cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer/BioNTech, tiếp theo là Canada hôm 9/12 và mới đây (hôm 11/12), Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã phê duyệt loại vaccine này. Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ hoàn tất quy trình đánh giá vào 29/12, còn Ấn Độ đang đẩy nhanh quy trình đánh giá.

Trong khi đó, công ty dược phẩm Moderna của Mỹ giữ vị trí thứ hai sau khi công bố đầy đủ phân tích dữ liệu thử nghiệm giai đoạn cuối hôm 30/11, cho thấy vaccine có hiệu quả 94,1%. Chuyên gia của FDA và EMA cũng đã phê duyệt vaccine này.

Sau khi công bố dữ liệu thử nghiệm sơ bộ giai đoạn cuối hôm 23/11, hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh cũng đang nộp đơn xin phê chuẩn vaccine. Vaccine của AstraZeneca có tỷ lệ hiệu quả trung bình 70% và nhiều nhất là 90% đối với một nhóm nhỏ những người tham gia thử nghiệm được tiêm lần đầu nửa liều và lần sau đủ liều.

Trung Quốc đã tiêm chủng 3 loại vaccine do các công ty của nước này phát triển ( 2 loại của công ty nhà nước Tập đoàn Công nghệ Sinh học Quốc gia Trung Quốc (CNBG) và một loại của Sinovac Biotech) cho khoảng một triệu người làm việc trong ngành nghề thiết yếu và có nguy cơ lây nhiễm cao. Sionovac cho biết dữ liệu sơ bộ về thử nghiệm giai đoạn cuối có thể sẽ được công bố trong năm nay.

Ngoài ra, nhiều công ty dược phẩm tại các nước sẽ tung vaccine ra thị trường vào năm 2021. Johnson & Johnson, nhà sản xuất dược phẩm Mỹ, lên kế hoạch công bố dữ liệu thử nghiệm trong năm nay hoặc đầu năm 2021. Công ty Novavax của Mỹ đang thử nghiệm giai đoạn cuối ở Anh và dự kiến thu thập đầy đủ dữ liệu vào quý đầu năm 2021. Vaccine do công ty Brazil và UAE phát triển dự kiến sớm tung ra thị trường đầu năm sau.

Có vaccine liệu dịch COVID-19 sẽ hết?

Việc Anh, Canada và Mỹ phê duyệt vaccine COVID-19 của Pfizer, làm dấy lên hy vọng có thể sớm chống lại đại dịch COVID-19. Trong khi dịch bệnh ngày càng lan rộng và khó kiểm soát, vaccine được xem là “cứu cánh”, đảm bảo cho thế giới an toàn hơn.

Tuy nhiên, WHO cho rằng thế giới không nên chủ quan vì ngay cả khi có vaccine thì đại dịch này cũng chưa thể kết thúc. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết đại dịch COVID-19 vẫn còn là “một chặng đường dài” và các quyết định của người dân và chính phủ hiện nay có thể ảnh hưởng đến tốc độ lây lan của virus.

Trong khi đó, chuyên gia cấp cứu hàng đầu của WHO Mike Ryan cũng cảnh báo các quốc gia trên thế giới cần chống lại sự tự mãn sau khi vaccine được đưa vào sử dụng. Ông Ryan cho rằng mặc dù vaccine là một phần chính trong cuộc chiến chống lại COVID-19 nhưng chỉ vaccine sẽ không thể khiến đại dịch kết thúc.

Chuyên gia Mike Ryan cho rằng, một số quốc gia sẽ phải duy trì các biện pháp kiểm soát chặt chẽ trong thời gian tới, nếu không các nước này sẽ có nguy cơ "bùng nổ” số ca nhiễm trong đại dịch.

Anne-Claude Cremieux, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Paris Saint-Louis, cảnh báo “rõ ràng là chúng ta sẽ không thể tiêm chủng cho toàn thế giới trong vòng 6 tháng”. Theo bà Anne-Claude Cremieux, ngay cả khi một số loại vaccine có sẵn thì cũng không đủ để trở lại cuộc sống bình thường.

Arnaud Fontanet, nhà dịch tễ học tại Viện Pasteur cho rằng, cuộc sống bình thường có thể được khôi phục “chỉ vào mùa thu năm 2021”, thậm chí là cho đến khi  - 80% đến 90% dân số được tiêm chủng. Fontanet nói rằng ngay cả những loại vaccine đang được tiêm chủng cho hiệu quả nhất cũng không thể được coi như “cây đũa thần” bảo vệ thế giới.

Moncef Slaoui, nhà khoa học đứng đầu chương trình tiêm chủng “Chiến dịch thần tốc” ​​của Mỹ, cho rằng khoảng 70% dân số sẽ cần tiêm chủng để đạt được “khả năng miễn dịch bầy đàn”. Theo Moncef Slaoui, mức này khó có thể đạt được trước tháng 5/2021.

Đồng quan điểm, Sam Fazeli, chuyên gia phân tích dược phẩm cấp cao của Bloomberg cho rằng ngay cả khi các loại vaccine này mang lại hiệu quả trên thực tế giống như các thử nghiệm lâm sàng thì chúng không thể thay đổi tiến trình của đại dịch COVID-19 trong một sớm một chiều và không thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của virus.

Vcacine được kỳ vọng là cứu cánh để thế giới trở lại bình thường. (Ảnh: Reuters)

Trên thực tế, sẽ mất vài tháng để vaccine COVID-19 tiếp cận được với một tỷ lệ dân số đủ lớn để tạo ra “khả năng miễn dịch bầy đàn”. Trước mắt, vaccine sẽ không đủ liều lượng để đáp ứng nhu cầu các quốc gia một cách nhanh chóng.

Hiện có những câu hỏi liên quan đến vaccine COVID-19 vẫn chưa được khẳng định. Đó là khả năng miễn dịch với COVID-19 của những người được tiêm vaccine, tác dụng vaccine đối với người già, nhất là người có tình trạng bệnh lý nền, và quan trọng hơn liệu vaccine đang được phát triển có khả năng ngừa các biến thể mới của virus hay không?

Theo chuyên gia Sam Fazeli, ngoài vaccine chúng ta sẽ tiếp tục cần đến các liệu pháp điều trị khác để chống COVID-19. Hiện có một số liệu pháp điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 đang được sử dụng và nhiều liệu pháp đầy hứa hẹn khác đang được phát triển.

Trong đó, liệu pháp thuốc Remdesivir của Gilead Sciences, Baricitinib của Lilly… đang cho thấy tín hiệu khả quan khi giảm thời gian nằm viện và cải thiện tốc độ phục hồi của người nhiễm bệnh. Còn nhóm liệu pháp mới khác được gọi là kháng thể đơn dòng (do Lilly và Regeneron Pharmaceuticals phát triển) cho thấy hiệu quả tương đối trong việc giảm tỷ lệ nhập viện ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.

Hãng dược phẩm AstraZeneca đang nghiên cứu một loại cocktail dựa trên hai loại kháng thể có hiệu quả trong vòng 6 tháng đến một năm. Dữ liệu ban đầu dự kiến sẽ được công bố ​​vào nửa đầu năm 2021. Ngoài ra, hãng dược phẩm Vir Biotechnology đang hợp tác với GlaxoSmithKline  phát triển 2 kháng thể có tiềm năng miễn dịch lâu dài. 

Theo chuyên gia Sam Fazeli, để chống lại đại dịch COVID-19, cần một loại thuốc kháng virus bằng phương pháp uống an toàn. Hãng dược phẩm Merck và Pfizer là những loại thuốc được thiết kế để can thiệp vào khả năng tạo bản sao của virus và chúng hoạt động theo cách giống như các loại thuốc chống HIV và HCV rất hiệu quả.

Tiếp tục các biện pháp phòng dịch

Năm 2020 chứng kiến sự thay đổi chưa từng có trong hành vi cá nhân do sự bùng phát của dịch COVID-19, từ rửa tay và giãn cách xã hội đến việc sử dụng khẩu trang gần như phổ biến hiện nay.

Các chuyên gia cho rằng, những hành vi này là cần thiết, sẽ được tiếp tục trong năm 2021 để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, nhà khoa học hàng đầu của Mỹ - Anthony Fauci, cho biết ông đã thấy trước “một mức độ bình thường đáng kể” vào quý 3 năm sau.

Các chương trình tiêm chủng đang được triển khai tại nhiều nơi trên thế giới như Anh, Mỹ… Trong khi đó, ở Trung Quốc, nơi COVID-19 khởi phát cuối năm ngoái, phần lớn hoạt động kinh doanh tiếp tục như bình thường, đồng thời nước này cũng phát triển vaccine và phản ứng nhanh chóng trước các ca bệnh mới.

Mặc dù một số loại vaccine COVID-19 bắt đầu được tung ra thị trường và nhiều vaccine đang bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, song Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng không có giải pháp hoàn hảo để kiểm soát dịch bệnh và có thể không bao giờ có.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến cáo các nước tiếp tục các biện pháp phòng dịch. (Ảnh: Reuters) 

Tổng Giám đốc WHO hối thúc các quốc gia tiếp tục thực hiện các biện pháp cơ bản để khống chế dịch bệnh. Đó là xét nghiệm, cách ly, điều trị cho người bệnh, đồng thời truy vết, cách ly những người tiếp xúc với họ; thông tin, trao quyền và lắng nghe cộng đồng. WHO khuyến cáo mỗi cá nhân nên tự giác duy trì giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa sạch tay và che chắn khi ho. 

Tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang trong việc hạn chế ca nhiễm nCoV cũng đã được Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden khẳng định. Nói về kế hoạch sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1, ông Biden cho biết sẽ yêu cầu toàn dân Mỹ đeo khẩu trang 100 ngày để phòng bệnh. Theo ông Biden, việc đeo khẩu trang sẽ giảm bớt rất nhiều số ca bệnh.

Dư luận Mỹ đã đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Trump trong việc để Mỹ trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới như hiện nay. Các chỉ trích cho rằng, chính quyền Trump đã chủ quan, không thực sự xem trọng tính chất nguy hiểm, nghiêm trọng của dịch COVID-19 khi không triển khai các biện pháp phòng bệnh nghiêm khắc, chặt chẽ, khiến dịch bệnh bùng phát.

Phản ứng của Tổng thống Trump trong ngăn chặn dịch bệnh được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của ông trong bầu cử Mỹ vừa qua. Cử tri Mỹ cho rằng, nếu chính quyền Trump quyết liệt hơn, áp dụng nhiều biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội… thì có lẽ Mỹ sẽ không phải hứng chịu cảnh các bệnh viện quá tải người bệnh, trong khi nhà xác không quá tải xác bệnh nhân như hiện nay.

Kông Anh

Tin mới