Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mới đây cho biết, rủi ro hạt nhân đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Theo ông Guterres, các nước có vũ khí hạt nhân phải minh bạch, cam kết không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại quốc gia khác. Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh rộ lên đồn đoán về việc Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Ukraine.
Giới chức Nga và phương Tây liên tục tung ra những phát ngôn cảnh báo về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong thời gian gần đây. Trong đó, một số đồn đoán về việc Moskva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật khi gặp khó trên chiến trường, không thể ngăn quân Ukraine bằng vũ khí thông thường.
Bình luận về việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân rộ lên sau bài phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin tại lễ ký kết hiệp định sáp nhập Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng và các vùng Kherson và Zaporizhzhia vào Nga hôm 30/9. Ông Putin nhấn mạnh, Nga sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ nước này bằng mọi biện pháp, kể cả vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, theo học thuyết hạt nhân của Nga, Moskva chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong hai tình huống. Thứ nhất, đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga và đồng minh. Thứ hai, đối phương sử dụng vũ khí thông thường ồ ạt tấn công, đe dọa chủ quyền Nga.
Trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev từng cảnh báo Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh, tăng cường lực lượng trên bộ, hải quân và không quân ở biển Baltic nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Ông Medvedev nói, Phần Lan và Thụy Điển sẽ phải sống chung với vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh ngay sát vách.
Chưa hết, cựu lãnh đạo cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga, ông Dmitry Rogozin, cảnh báo, Nga có thể xóa sổ các nước NATO trong vòng 30 phút nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra. Tuy nhiên, ông lưu ý, vũ khí hạt nhân không nên được sử dụng và Nga sẽ không cho phép điều này xảy ra.
Hôm 8/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng khẳng định, Nga cam kết tuân thủ nghiêm chỉnh tuyên bố chung của lãnh đạo 5 cường quốc hạt nhân (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp) ngày 3/1/2022, trong đó nhất trí ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và nguy cơ xảy ra cuộc chiến hạt nhân. Ông Lavrov nhấn mạnh, cần phải ngăn chặn xung đột vũ trang giữa những nước có vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, phía Mỹ nhiều lần lên tiếng kêu gọi Nga ngừng nói về vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Moskva phải lắng nghe Washington và hiểu rằng hậu quả sẽ rất khủng khiếp nếu sử dụng vũ khí hạt nhân.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố, Washington sẽ hành động “dứt khoát” nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine. Ông khẳng định, Moskva sẽ gánh hậu quả nặng nề nếu sử dụng vũ khí hạt nhân.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Tổng thống Vladimir Putin là có thật. "Ông ấy không đùa khi nói về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí sinh học và hóa học", ông Biden nói, song cho rằng không dễ để Moskva thực hiện điều đó.
“Lời qua tiếng lại”, cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân giữa Nga và phương Tây được các bên đưa ra dồn dập thời gian qua. Một số ý kiến cho rằng, đe doạ của Moskva thiếu thực tế. Đại tá Margo Grosberg từ Trung tâm Tình báo Quốc phòng Estonia nói, Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine vì làm như vậy là không hợp lý về mặt quân sự.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng, trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2, Moskva đã liên tục đưa ra những cảnh báo đanh thép đối với Ukraine và phương Tây. Tại thời điểm đó, giới quân sự Mỹ và đồng minh phớt lờ cảnh báo, phần lớn dự báo Nga sẽ không đem quân để thực hiện chiến dịch quân sự tại Kiev.
Lãnh đạo Nga - Mỹ liên tục đưa ra những cảnh báo về nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân. (Ảnh: Fox News).
Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Vladimir Putin về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân đang khiến giới chức phương Tây “đứng ngồi không yên”. Các chuyên gia phân tích hy vọng những nguyên tắc cấm kỵ về vũ khí hạt nhân là yếu tố kiềm chế nguy cơ hạt nhân.
Loài người phải chịu đựng nỗi thống khổ của việc Mỹ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản ngày 6/8/1945 và ngày 9/8/1945. Những gì diễn ra từ sự kiện này được xem là lập luận mạnh mẽ phản đối việc sử dụng những loại vũ khí hạt nhân. Kể từ sự kiện này, không có quốc gia nào sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trả lời AP, Dara Massicot - nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại RAND Corp và từng là nhà phân tích về năng lực quân sự của Nga tại Bộ Quốc phòng Mỹ - nhận định, nếu sử dụng vũ khí hạt nhân, Nga có thể sẽ bị cô lập. Đồng quan điểm, Sidharth Kaushal, chuyên gia quốc phòng và an ninh thuộc Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh ở London, phân tích: “Việc phá vỡ điều cấm kỵ về hạt nhân, ở mức tối thiểu, sẽ áp đặt một sự cô lập về ngoại giao và kinh tế đối với Nga”.
Mặc dù rất khó để đoán định cụ thể về cuộc tấn công hạt nhân của Nga ở Ukraine, song Forbes dẫn lời các chuyên gia cho hay, Moskva rất có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, các thiết bị tầm ngắn để sử dụng trên chiến trường, đối phó quân đội Ukraine hoặc phá hủy trung tâm hậu cần Kiev.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là các đầu đạn hạt nhân nhỏ cùng hệ thống đưa đến mục tiêu, với mục đích sử dụng trên chiến trường hoặc tiến hành tấn công hạn chế. Chúng được thiết kế để phá hủy các mục tiêu đối phương trong khu vực cụ thể mà không khiến bụi phóng xạ lan rộng.
Tiến sĩ Rod Thornton, chuyên gia bảo mật tại Đại học King's College London, nói với Forbes rằng, tác động của cuộc tấn công hạt nhân phụ thuộc nhiều vào loại vũ khí được sử dụng, địa điểm cũng như điều kiện vào thời điểm đó. Song việc sử dụng vũ khí hạt nhân loại nào cũng gây hậu quả sâu rộng, với bức xạ từ vụ nổ ảnh hưởng các vấn đề sức khỏe lâu dài cho những người sống xung quanh, bụi phóng xạ gây ô nhiễm môi trường, có thể trôi dạt khắp châu Âu và lan sang châu Á.
Theo Japan Times, chuyên gia hạt nhân Pavel Podvig - cơ quan nghiên cứu về giải trừ vũ khí của Liên hợp quốc - cho rằng, việc công khai đưa vũ khí hạt nhân ra khỏi kho cũng là chiến thuật mà Nga có thể sử dụng để răn đe đối phương, không nhất thiết phải sử dụng chúng.
Ông Pavel Podvig nhận định, rất có thể ông Putin hy vọng những lời răn đe sẽ làm chậm nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine và giúp "câu giờ" để huấn luyện 300.000 quân dự bị mà ông đã ra lệnh động viên. Thế nhưng, giới phân tích lo ngại nguy cơ ngày càng tăng của việc Moskva sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Ukraine tiếp tục có lợi thế trên thực địa và Nga thấy rằng không thể duy trì những gì đã có được.
Trên Euro News, Nikolai Sokov - người đã tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí khi còn làm việc cho Bộ Ngoại giao Nga và hiện làm việc cho Trung tâm Giải trừ Vũ khí và Không phổ biến vũ khí tại Vienna - nhận định, khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine rất thấp, song vị này cũng cho rằng, hiện giờ, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
Về phía Mỹ, mới đây, Lầu Năm Góc nói không tin Nga sẽ thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân, đồng thời cho biết Washington vẫn xem xét “rất nghiêm túc” các mối đe dọa từ Moskva. Trong khi đó, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns tỏ ra thận trọng và cho biết chưa có bằng chứng về khả năng Moskva sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine.
Chuyên gia Pavel Podvig cho hay, các nước có thể nhận ra quá trình chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân của Moskva nếu điều đó xảy ra. Ông dự đoán, nếu Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân, vệ tinh của Mỹ sẽ phát hiện hành động này.
Triều Tiên liên tục thử nghiệm tên lửa từ đầu năm đến nay. (Ảnh: KCNA).
Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) từng cảnh báo, nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân trên thế giới đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Theo viện này, kho vũ khí hạt nhân toàn cầu được dự đoán sẽ gia tăng trong những năm tới, lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh.
Xung đột Nga - Ukraine và sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev đã đẩy căng thẳng leo thang giữa những quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân. Sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao.
SIPRI cho biết, số lượng vũ khí hạt nhân đã giảm nhẹ trong khoảng thời gian từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2022. Song, nếu các cường quốc hạt nhân không có hành động ngay lập tức, kho vũ khí hạt nhân có thể sớm gia tăng lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.
Dẫn thông tin từ thống kê của Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ (FAS), tờ Jerusalem Post cho hay, tính tới năm 2022, Nga sở hữu 5.977 vũ khí hạt nhân. Trong đó, 1.588 là số đầu đạn hạt nhân đang được triển khai, tức là số tên lửa này đang được lắp đặt tại các căn cứ tên lửa, trên máy bay ném bom hay tàu ngầm. Số còn lại đang trong tình trạng dự bị hoặc giải trừ.
FAS thông tin, số vũ khí hạt nhân của Nga đã giảm đáng kể so với mức 40.000 trong những năm 1980. Từ năm 2000 đến nay, quy mô vũ khí hạt nhân của Nga có xu hướng giảm sâu hơn, từ 10.000 (thống kê hồi năm 2000) tên lửa giờ còn hơn một nửa.
Theo thống kê của FAS hồi tháng 2, Nga sở hữu 812 tên lửa đạn đạo đối đất gắn đầu đạn hạt nhân, trong đó có 512 tên lửa được đặt trên tàu ngầm. Moskva cũng có khoảng 200 tên lửa tại các căn cứ máy bay ném bom hạng nặng. Ngoài ra, Nga còn có lượng lớn vũ khí hạt nhân đang dự trữ trong kho, trong đó có 977 đầu đạn chiến lược và 1912 đầu đạn phi chiến lược.
Bên cạnh Nga, Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia có những động thái tăng cường kho vũ khí của mình. Tháng 11 năm ngoái, Lầu Năm Góc công bố báo cáo thường niên cho biết, Trung Quốc đã gia tăng tiềm lực quân sự, đồng thời thừa nhận khả năng phát triển các loại vũ khí tiên tiến của Bắc Kinh đã vượt ra ngoài dự báo của Washington. Trung Quốc hướng đến sở hữu 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027, cán mức 1.000 đầu đạn vào năm 2030.
Tham vọng phát triển kho vũ khí hạt nhân của nước này thể hiện ở việc hướng đến xây dựng hoàn thiện bộ 3 răn đe hạt nhân, với khả năng triển khai loại vũ khí này từ tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa hành trình phóng từ máy bay và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Trước khi Lầu Năm Góc công bố thông tin về sự thay đổi đối với kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) từng đưa ra bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã xây khoảng 300 hầm chứa tên lửa mới có thể được dùng cho tên lửa đạn đạo.
Dù được đánh giá có những bước phát triển mạnh mẽ về tiềm lực quân sự, song kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc vẫn ít hơn nhiều so với Mỹ và Nga. Tháng 10/2021, lần đầu tiên sau 4 năm, Mỹ đã cho công khai số lượng đầu đạn hạt nhân mà nước này sở hữu, thông tin vốn bị cấm tiết lộ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo đó, tính đến ngày 30/9/2020, quân đội Mỹ duy trì 3.750 đầu đạn hạt nhân đã kích hoạt và 2.000 đầu đạn trong số này đang được chờ giải trừ, giảm 55 đầu đạn so với trước đó một năm và 72 đầu đạn so với năm 2017. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ ghi nhận số đầu đạn hạt nhân của nước này xuống thấp kỷ lục so với giai đoạn đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh, với tổng cộng 31.255 đầu đạn vào năm 1965.
Các nước sở hữu vũ khí hạt nhân được cho đang có dấu hiệu gia tăng đầu đạn hạt nhân. Theo SIPRI, Anh là 225 và Pháp là 290. Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên có khoảng 460 đầu đạn.
Trong số các quốc gia này, Triều Tiên liên tục thử nghiệm tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân thời gian gần đây. Tính đến ngày 9/10, Triều Tiên đã bắn 10 tên lửa chỉ trong hai tuần qua. 2022 cũng là năm Bình Nhưỡng tiến hành số vụ thử tên lửa nhiều nhất, kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011.
KÔNG ANH