Website của nhà đấu giá Millon cho biết, do nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của Việt Nam, lịch đấu giá hiện vật lô 101 – được Millon công bố là ấn vàng của vua Minh Mạng, sẽ được dời từ ngày 31/10 sang 12h trưa 10/11 (giờ địa phương).
Tại thông báo dời lịch đấu giá, Millon cũng cung cấp một số thông tin về hiện vật.
Theo đó, đây được cho là Kim bảo tỷ (ấn vàng) của vua Minh Mạng (1791-1841), bao gồm các đế xếp chồng hình vuông, bên trên là tay cầm hình rồng năm móng vuốt cuộn lại, đầu nhô lên khắc chữ 王 (vương), có nghĩa là vua. Trên ấn có khắc các văn tự cho thấy ấn có thể được làm dưới thời Minh Mạng và là bảo vật của vua (Hoàng đế chi bảo).
Hình ảnh hiện vật do Millon công bố.
Theo nhà đấu giá Pháp, chiếc ấn là biểu tượng cho sự vương giả và quyền lực của nhà vua, trong đó thời Minh Mạng là một thời kỳ nổi bật của triều Nguyễn. Ngoài ra ấn đã được chuyển giao nhiều lần, “đặc biệt là trong thời gian vua Bảo Đại thoái vị, được chuyển giao cho chính quyền cách mạng tại quảng trường Ngọ Môn (Huế) ngày 30/8/1945”.
Nhà đấu giá cũng trích dẫn câu nói nổi tiếng của vua Bảo Đại: "Trẫm thà làm dân một nước tự do hơn làm vua một nước nô lệ".
Ngoài ấn vàng, một hiện vật khác sẽ đem ra đấu giá được cho là một bát vàng thuộc triều vua Khải Định (1917-1925), nằm trong số 329 cổ vật được đưa ra lần này.
Trước đó, theo TTXVN, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp làm việc trực tiếp với hãng đấu giá Millon để xác minh rõ thông tin liên quan đến hai cổ vật triều Nguyễn, qua đó đưa ra phương án phù hợp để hồi hương hai cổ vật.
Cục Di sản Văn hóa cho rằng, nếu đây là Hoàng đế chi bảo thì bên cạnh những ý nghĩa về lịch sử, văn hóa… xét về khía cạnh chủ quyền sở hữu, ấn còn được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của đất nước trong suốt một giai đoạn lịch sử.
Theo công văn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Bộ Ngoại giao, sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), hai cổ vật triều Nguyễn rơi vào tay người Pháp. Đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại, rồi được đưa sang Pháp vào năm 1953.
Trước khi qua đời (năm 1997), cựu hoàng Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp (trong đó có kim ấn "Hoàng đế chi bảo") cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021 nên các tài sản trên thuộc về người thừa kế và được mang ra bán đấu giá.