Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chưa đồng ý xây khu tưởng niệm vua Trần Nhân Tông hơn 100 tỷ đồng ở Quảng Trị

Ngày 29/10, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh chưa đồng ý với đề xuất xây dựng Khu tưởng niệm vua Trần Nhân Tông với tổng mức mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng.

Trước đó, Công ty Cổ phần Giác Hải (trụ sở tại phường 1, TP Đông Hà, Quảng Trị) đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu tưởng niệm vua Trần Nhân Tông tại khu phố Vĩnh Phước (phường Đông Lương, TP Đông Hà). Theo đề xuất, khu tưởng niệm được xây dựng trên diện tích 14.115 m2, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2025.

Cụ thể, nhà đầu tư sẽ xây dựng chánh điện, tượng đài vua Trần Nhân Tông, bảo tàng, lầu thập thiện, nhà làm việc, nhà khách… với tổng mức đầu tư là 100,5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Mục tiêu của khu tưởng niệm là tạo điểm nhấn kiến trúc và văn hóa có ý nghĩa cho đô thị, thúc đẩy phát triển du lịch.

Phối cảnh Khu tưởng niệm vua Trần Nhân Tông tại TP Đông Hà (Quảng Trị).

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Quảng Trị, vị trí thửa đất Công ty Cổ phần Giác Hải đề xuất để thực hiện dự án chưa phù hợp với quy hoạch và chưa có trong kế hoạch sử dụng đất. Diện tích và sơ đồ thửa đất nhỏ, bị chia cắt, khả năng tiếp cận hạn chế, chưa tương xứng với mục tiêu đầu tư, quy mô đề xuất tại dự án cũng như ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng của vua Trần Nhân Tông đối với sự phát triển bền vững của nước Đại Việt thời bấy giờ.

Vì vậy, để có cơ sở xem xét cho ý kiến về chủ trương đầu tư theo đề xuất, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Công ty Cổ phần Giác Hải làm việc với các đơn vị liên quan để nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn vị trí phù hợp quy hoạch và gắn liền với không gian công viên cây xanh, khu vực có giá trị về kiến trúc, cảnh quan để đề xuất triển khai thực hiện dự án.

Vua Trần Nhân Tông là vị hoàng đế thứ 3 của triều nhà Trần, tên là Trần Khâm, được vua cha Trần Thánh Tông nhường ngôi năm 1278. Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của Đại Việt cuối thế kỷ XIII cũng như việc bảo vệ nền độc lập và mở rộng lãnh thổ đất nước. Năm 1293, ông truyền ngôi cho Thái tử Trần Thuyên (tức vua Trần Anh Tông), ít năm sau lên núi Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm.

Nguồn: Báo Người Lao Động

Tin mới