Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dòng tiền 5 tháng đi ngang - Dấu hiệu sáng của nền kinh tế Việt Nam

(VTC News) -

Đó là nhận định của chuyên gia tại tọa đàm "Xu hướng dòng tiền", trong Hội thảo “Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế" do Đài Truyền hình VN tổ chức.

Tại tọa đàm, các chuyên gia kinh tế đã thảo luận những biến động của dòng tiền đầu tư thời gian qua, những thông tin tác động và nhận định những yếu tố ảnh hưởng tới đường đi của dòng tiền trong thời gian tới.

Toàn cảnh phiên tọa đàm "Xu hướng dòng tiền"

Thu hút dòng vốn vẫn "sáng cửa"

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital nhận định: "Từ đầu năm, dòng tiền gần như đi ngang, không ra khỏi Việt Nam 5 tháng vừa qua". Theo ông Tuấn, đây là tín hiệu tích cực, với xu hướng dịch chuyển sản xuất vào khu vực đông dân, nếu Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô thì triển vọng là rất sáng.

Theo ông Tuấn, Trung Quốc và Mỹ hiện cũng đang có vấn đề với nhau, dẫn đến chuyện dịch chuyển sản xuất về nước sở tại diễn ra rất mạnh mẽ. Bênh cạnh đó còn 1 trào lưu khác đó là dịch chuyển sản xuất về một số nước đông dân. Việt Nam đang thừa hưởng trào lưu đó, dẫn đến việc FDI trong năm 2021 và trong 4 tháng đầu năm nay rất tốt. “Nếu chúng ta vẫn tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô thì tôi nghĩ chuyện thu hút dòng vốn trong vòng 2-3 năm tới vẫn rất sáng ở Việt Nam chúng ta”, ông Tuấn khẳng định.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital

Cũng nhận định về kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành chỉ ra nhiều rủi ro mà kinh tế Việt Nam đã và đang đối diện. Đại dịch COVID-19 đã tàn phá nền kinh tế thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Giai đoạn 2020-2021 là giai đoạn ta tăng trưởng thấp nhất trong suốt quá trình đổi mới, cải cách mặc dù con số vẫn là dương trên 2%.

Đà phục hồi kinh tế thế giới diễn ra trước và thể hiện khá rõ trong năm 2021. Trong khi đó chúng ta lại chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm này, đặc biệt là trong quý III/2021 vì chưa bắt nhịp được. Chính vì vậy, chúng ta rất kỳ vọng vào năm nay và những năm tiếp theo là giai đoạn phục hồi mạnh mẽ gắn với cải cách để đạt được mục tiêu 5 năm và xa hơn là khát vọng vào năm 2030. Đó là cái chúng ta muốn.

Theo ông Thành, những dấu hiệu về rủi ro đã bắt đầu từ 2021 như đứt gãy chuối cung ứng, nguồn cung hạn chế, giá cả tăng cao, áp lực lạm phát…

Ngoài ra, cuộc chiến giữa Nga - Ukraine tiếp tục làm đứt gãy chuỗi cung ứng; giá cả tăng mạnh hơn (đặc biệt là giá dầu), kết hợp với đó là những rủi ro liên quan đến việc sản xuất kinh doanh toàn cầu, dịch chuyển dòng vốn từ các nước mới nổi về Mỹ, tăng trưởng của thế giới được dự báo sẽ giảm tiếp tục còn giảm nữa, thậm chí một số khu vực có thể vừa suy thoái vừa lạm phát cao… 

Có cả những yếu tố trực tiếp vừa gián tiếp ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam”, ông Thành nói. 

Trong bối cảnh đầy rủi ro này, nhiều câu hỏi đã được đặt ra như: Khi “ném tiền” ra có làm tăng áp lực lạm phát, ngân sách thế nào, nợ công ra sao… Rồi những người trên thị trường đầu tư tài chính họ có tận dụng cơ hội này để lái dòng tiền chúng ta muốn vào sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng phục hồi hay không? Hay vào đầu cơ tài chính?

Chuyện thu hút dòng vốn trong vòng 2-3 năm tới vẫn rất sáng ở Việt Nam

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital

Theo ông Thành, để giảm thiểu những rủi ro đó chúng ta có thể tính đến vấn đề thay đổi cơ chế giám sát, vào chính sách tài khóa, ngân sách. Bên cạnh đó, nếu dựa vào tài khóa huy động nguồn lực trong dân thì áp lực lạm phát sẽ nhẹ hơn, nó không phải như là việc tăng cung tiền tệ.

Ông Thành vẫn giữ cái nhìn tích cực về kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Hiện nhiều dự báo cho thấy chúng ta có thể chấp nhận lạm phát tăng cao hơn, cũng với đó là áp lực tỷ giá. Tuy nhiên theo nhưng chuyên gia này, lạm phát sẽ không tăng quá cao (có thể ở mức trên 4,5%). 

Trong khi đó, theo dự báo cán cân thương mại thặng dư, dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng… do đó chúng ta có thể hoàn toàn có thể kiểm sát được tỷ giá. Đồng thời có thể hạn chế việc nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam. 

Những dự báo gần đây cho thấy đà phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục và tăng trưởng. Tôi nghĩ kinh tế vĩ mô hiện tại vẫn ổn định và trong tầm kiểm soát”, ông Thành nêu quan điểm.

Dòng tiền sắp tới sẽ đổ vào đâu?

Về triển vọng thị trường chứng khoán - trái phiếu thời gian tới, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh thị trường có lên có xuống nhưng vấn đề là lòng tin. Do đó, cần có sự minh bạch, kỷ luật thị trường làm nền tảng tốt cho thị trường, đồng thời cần có cách xử lý khéo léo với các sai phạm. 

Với trái phiếu, chứng khoán cần sửa các quy định. Ông Võ Trí Thành dự báo dòng tiền vẫn sẽ hồi phục, có thể chững lại đôi chút. Tuy nhiên, cần lưu ý 2 điểm: Đà phục hồi ở đâu khi độ mở đang rất cao? Lĩnh vực nào người tiêu dùng muốn bỏ tiền để mua? 

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Ông Võ Trí Thành cũng đánh giá thị trường chứng khoán triển vọng rất tích cực sau 2 năm xảy ra đầu cơ, thông tin “dẫn dắt” thì đã bắt đầu có nền tảng tốt.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đồng tình và cho rằng, minh bạch thông tin là quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay. "Thị trường đòi hỏi thông tin minh bạch là đòi hỏi chính đáng khi nhiều công ty hoạt động không rõ ràng về lệnh kinh doanh, lệnh môi giới. Việc công bố thông tin làm cho rõ ràng hơn, thị trường minh bạch hơn", ông Sơn nói. 

Trước thông tin không có công ty nào phát hành trái phiếu thời gian qua, ông Sơn cho rằng, cần tinh chỉnh một số vấn đề về kiểm soát thị trường. Với bản thân các doanh nghiệp thì đạo đức nghề nghiệp, tính toán dòng tiền rất quan trọng. Thời gian tới, ngoài việc sửa các quy định, việc giám sát cần lưu ý thêm thì các nhà phát hành trái phiếu, người mua trái phiếu rất thận trọng, chỉ nên dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Trong khi đó, nói về đà tăng giá mạnh của thị trường bất động sản, phát biểu tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết 2 năm vừa qua có thị trường có hiện tượng tăng giá trên tất cả các phân khúc. 

Tôi nghĩ kinh tế vĩ mô hiện tại vẫn ổn định và trong tầm kiểm soát

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Theo thống kê, trong năm 2021 cũng như quý I/2022, giá bất động sản tại nhiều địa phương tăng tuỳ từng phân khúc. Với chung cư tăng bình quân 3-7%, có địa phương tăng đến 30%. Đặc biệt với đất nền ở nhiều khu vực, nhất là ở những khu vực có dự báo tách nhập, nâng nên quận huyện, phát triển hạ tầng… tăng rất cao, có nơi tăng 30%, 50%, thậm chí có những nơi tăng trưởng nóng vượt qua những logic thông thường (tăng hơn 100%). 

Lý giải cho đà tăng mạnh nói trên, theo ông Khởi có thể dòng tiền đang đổ về bất động sản để đảm bảo tính an toàn, hạn chế rủi ro trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó là kết hợp tâm lý của người dân càng sở hữu nhiều bất động sản càng tốt… 

Nguyên nhân thứ 2, theo ông Khởi là do nguồn cung trên thị trường hạn chế, đặc biệt là nguồn cung về nhà ở do nhiều dự án chưa tháo gỡ được các yếu tố pháp lý.  Có những dự án vướng mặc về pháp lý từ trước dịch bệnh đến nay vẫn chưa tháo gỡ dẫn đến nguồn cung hạn chế.

Nguyên nhân thứ 3 cũng không loại trừ có hiện tượng làm giá trên thị trường bất động sản.

Để có thể hạ giá bất động sản trong thời gian tới, một trong những giải pháp quan trọng là cần phải cần phải tăng nguồn cung các loại nhà cho đối tượng thu nhập thấp ví dụ như nhà ở xã hội, nhà ở giá trung bình vừa túi tiền. 

Đây là những sản phẩm đang rất thiếu. Để thực hiện điều này, cần phải sửa đổi các cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là các đô thị lớn, để nhanh ra nguồn cung. Thứ 2 là tháo gỡ các thủ tục pháp lý, khuyến khích các nhà đầu tư. Cùng với đó là nguồn vốn tín dụng tập trung cần tập trung vào các dự án có khả năng triển khai nhanh, ra hàng nhanh, trong đó ưu tiên các dự án nhà ở xã hội, dự án có có giá hợp túi tiền.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Trả lời vấn đề những nhóm ngành nào thu hút dòng tiền trong thời gian tới hay dòng tiền đã chảy vào sản xuất để hỗ trợ doanh nghiệp hay chưa? Ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Hoạch định Chiến lược Đầu tư, Dragon Capital lấy ví dụ năm 2009 khi khủng hoảng kinh tế xảy ra Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đẩy rất mạng dòng tiền ra thị trường. 

Thời điểm đó, bên châu Âu không tin điều này sẽ hiệu quả, đồng thời cho rằng dòng tiền sẽ đổ về những lĩnh vực mang tính đầu cơ chứ không vào nền kinh tế. Nhưng vài năm sau họ nhận ra việc dòng tiền dù không hoàn toàn đẩy vào sản xuất nhưng nó giúp cho nền kinh tế Mỹ phục hồi, trong khi châu Âu tiếp tục suy thoái”, ông Tuấn cho biết. 

Do đó khi đưa dòng tiền ra thị trường không nên quá kỳ vọng. Ví dụ đưa ra 100 đồng không nên quá kỳ vọng 80 - 90 đồng vào đúng mục tiêu kỳ vọng. Thay vào đó chỉ nên kỳ vọng 50 đồng vào đúng mục tiêu, 50 đồng chạy vòng vòng, vậy là rất khả quan”, ông Lê Tuấn Anh nói.

Còn về định hướng dòng tiền trong thời gian tới, theo ông Tuấn, 90% tạo ra việc làm nằm ở khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khối FDI chiếm 70% lượng xuất khẩu chỉ tạo ra lực lượng lao động cũng như thuê mướn khoảng 4,5%. 

Do đó xuất khẩu quan trọng, FDI quan trọng nhưng không phải là tiêu chí hàng đầu dẫn dắt nền kinh tế, quan trọng nhất là những yếu tố nội tại của nền kinh tế”, ông Tuấn nhấn mạnh. 

Theo ông Tuấn, như tại Dragon Capital đang quản lý số vốn khoảng 6 tỷ USD, công ty chủ yếu tập trung vào nguồn cung, nguồn cầu trong nước; tập trung vào những doanh nghiệp tạo việc làm, giá trị, trong khi rất ít tập trung vào khối xuất khẩu. 

Dòng tiền sẽ tập trung vào những doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo được nền tảng vững mạnh trong nước”, ông Tuấn khẳng định.

Đài Truyền hình Việt Nam giao Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTVDigital) xây dựng một tổ hợp nội dung đa nền tảng riêng trong lĩnh vực Kinh tế. Đó chính là Hệ sinh thái thông tin kinh tế VTVMoney. Trong đó, chương trình Tài chính Kinh doanh phát sóng hàng ngày trên VTV1 là lõi của hệ sinh thái.

Phát triển từ lõi này, những chương trình kinh tế chuyên sâu khác lần lượt ra mắt trong năm 2022:

- Dòng chảy tài chính, chương trình chuyên sâu về tài chính, ngân hàng phát sóng vào 21h30 thứ Bảy hàng tuần trên sóng VTV1.

- Khớp lệnh, chương trình cung cấp thông tin khách quan, đa chiều theo từng nhịp đập của thị trường chứng khoán, 11h20 hàng ngày trên các nền tảng số VTVgo, VTV.vn, các kênh số Fanpage VTV24 Money, Youtube VTV24

- Money Talk, talkshow chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, chi tiêu tiêu dùng, quản lý tài chính với hai phiên bản Bí mật đồng tiền (11h20 thứ Tư hàng tuần) và Tự do Tài chính (20h thứ Sáu hàng tuần) trên các nền tảng số VTVgo, VTV.vn, các kênh Fanpage VTV24 Money, Youtube VTV24.

- Landshow (Lăng kính nhà đất), với sự tham gia của các KOL chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, những ý tưởng hay trên thị trường bất động sản... trên các nền tảng số VTVgo, VTV.vn, các kênh Fanpage VTV24 Money, Youtube VTV24 vào 20h thứ Năm hàng tuần

Lê Thịnh - Công Hiếu

Tin mới